Các biểu tượng cảnh báo thường có các màu khác nhau, như đỏ, vàng, hổ phách, xanh lá cây và xanh dương.... Trong đó, đèn cảnh báo màu xanh lá cây và xanh dương có thể mang ý nghĩa ít khẩn cấp hơn, song bạn vẫn nên thận trọng. Phần lớn các biểu tượng và đèn cảnh báo đều giống nhau trên tất cả các dòng ô tô, mặc dù vị trí chính xác của chúng, trên hoặc xung quanh bảng điều khiển, có thể khác nhau. Dưới đây là một số ý nghĩa của các biểu tượng này.
Đèn check engine
Nếu cảnh báo này sáng lên, bạn cần kiểm tra xe ngay, dù có vẻ mọi thứ vẫn hoàn toàn bình thường. Đó là vì biểu tượng này hiện lên và cảnh báo về một trục trặc có thể xảy ra với động cơ. Dù đó chỉ là lỗi cảm biến hay một lỗi nhỏ, bạn vẫn nên kiểm tra xe để có chẩn đoán chính xác, tránh những thiệt hại tiềm tàng.
Đèn báo áp suất dầu máy
Bên cạnh đèn cảnh báo phanh, đèn cảnh báo dầu là một trong những đèn cảnh báo nghiêm trọng nhất. Dầu rò rỉ hay lỗi máy bơm dầu hoặc khô dầu hay quá nhiều dầu đều có thể gây hại cho động cơ. Vì vậy, đừng bỏ qua cảnh báo này. Bạn hãy dừng xe ngay và tham khảo sổ tay lái xe. Có thể là chỉ cần đổ dầu vào thì đèn cảnh báo sẽ tắt, nhưng nếu nó không tắt, nghĩa là có vấn đề gì đó nghiêm trọng và bạn phải cho xe đi kiểm tra ngay.
Đèn cảnh báo hệ thống phanh
Như trên đã nói, đèn cảnh báo hệ thống phanh cũng đòi hỏi sự chú ý khẩn cấp. Nếu đã hạ hết phanh tay mà vẫn không giải quyết được vấn đề, hoặc đèn cảnh báo xuất hiện khi bạn đang lái xe, hãy lái xe an toàn và gọi trợ giúp bên đường hoặc chuẩn bị đưa xe đến gara. Có thể là mức dầu phanh quá thấp và chỉ cần nạp đầy, hoặc cảm biến mòn má phanh bị lỗi. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một vấn đề nghiêm trọng hơn với hệ thống phanh.
Đèn cảnh báo ắc quy
Đèn cảnh báo này có thể cho biết một số điều, tất cả đều liên quan đến hệ thống sạc và pin, ắc quy của xe. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng nếu xảy ra vào ban đêm, vì ắc quy lỗi có thể khiến đèn pha không sáng, nhưng không có pin hoặc hệ thống sạc cung cấp điện, bạn có thể nhận thấy hệ thống trợ lực lái, trợ lực phanh hoặc động cơ tự dừng hoạt động.
Nguyên nhân của đèn cảnh báo có thể đơn giản là pin bị lỗi và cần thay thế. Nhưng nó cũng có thể do sự cố với hệ thống dây điện trong xe hoặc nghiêm trọng hơn là lỗi với máy phát điện hoặc dây đai truyền động.
Đèn cảnh báo nhiệt độ động cơ
Nếu bạn thấy biểu tượng này sáng bất cứ lúc nào sau khi khởi động, nghĩa là động cơ đang chạy quá nóng hoặc không có chất làm mát đủ (còn gọi là chất chống đông) trong hệ thống. Nguyên nhân có thể do một số vấn đề, như bộ tản nhiệt ô tô bị rò rỉ, bị tắc hoặc bị hỏng - bạn có thể sẽ thấy chất làm mát nhỏ giọt nếu đây là nguyên nhân. Hoặc cũng có thể do máy bơm nước bị lỗi.
Trong mọi trường hợp, nếu bạn nhận thấy đèn này, hãy dừng xe ngay lập tức, vì chạy xe khi động cơ quá nóng có thể dẫn đến hỏng toàn bộ động cơ.
Đèn cảnh báo nhiên liệu thấp
Biểu tượng này khá dễ hiểu, nó sẽ bật sáng khi lượng nhiên liệu trong bình xuống thấp hơn mức quy định, và việc bạn cần làm là tìm trạm tiếp nhiên liệu. Hết xăng sẽ không gây thiệt hại gì về máy móc, kỹ thuật, nhưng bị dừng xe đột ngột vì hết xăng khi bạn đang trên đường đi là cả vấn đề.
Nếu bạn nhận thấy nhiên liệu hết nhanh hơn bình thường, có thể đã bị rò rỉ nhiên liệu (kiểm tra mặt đất dưới xe, đặc biệt là đường lái xe hoặc chỗ đỗ xe để xem nhiên liệu có bị rò rỉ).
Cảnh báo cảm biến áp suất lốp
Hệ thống giám sát áp suất lốp (TPMS) là một chức năng ngày càng phổ biến. Về cơ bản, hệ thống giám sát này liên tục theo dõi lượng không khí trong lốp xe. Nếu phát hiện lốp xe bị tụt áp suất, nó sẽ ra cảnh báo. Điều này rất quan trọng, vì áp suất lốp thấp có thể ảnh hưởng xấu đến phanh và vào cua. Áp suất giảm đột ngột có thể gây tai nạn ở tốc độ cao. Nếu hệ thống TPMS cảnh báo, bạn cần kiểm tra và bơm lốp.
Đèn cảnh báo kiểm soát lực kéo
Bạn thường thấy đèn cảnh báo kiểm soát lực kéo xe khi các bánh xe bị mất độ bám, thường là trong mưa hoặc tuyết. Bạn cần phải kiểm tra hệ thống, nếu nó là hệ thống sau, bạn nên bật lại hệ thống.
Đèn cảnh báo dây an toàn
Ngày nay, phần lớn những chiếc xe mới đều có hệ thống cảnh báo xem người ngồi trong xe đã thắt dây an toàn chưa. Ô tô sử dụng cảm biến áp suất ở ghế ngồi và cảm biến ở dây an toàn - vì vậy, nếu có một trọng lượng nhất định trên ghế và dây an toàn bảo đảm đã được thắt, cảnh báo sẽ không hiện ra. Ngược lại, nó sẽ hiện ra và thường đi kèm với những tiếng kêu tít tít.
Đèn cảnh báo cửa / nắp ca-pô / cốp xe mở
Giống như với đèn thắt dây an toàn, những chiếc đèn để cho bạn biết cửa xe, nắp ca-pô hoặc cốp xe đang mở. Biểu tượng đèn này cũng cho bạn biết cánh cửa, nắp ca-pô không được đóng đúng cách và lỏng lẻo, vì vậy bạn phải kiểm tra lại ngay.