Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), người lái xe tại hai đô thị lớn nhất ở Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM mất trung bình lần lượt 58 phút và 51 phút mỗi ngày cho việc di chuyển từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại. Con số này tương đương từ 13 đến 15 ngày mỗi năm.
Với nhiều tài xế, khoảng thời gian này gần như là "ác mộng" vì những tình huống như: hàng dài xe nối đuôi nhau, 3 nhịp đèn đỏ vẫn chưa qua được ngã tư, xe máy vô tư len lỏi "điền vào chỗ trống", tiếng còi xe inh ỏi kéo dài...
Những mẹo vặt sau đây có thể giúp cho việc lái xe trong đô thị bớt căng thẳng, mệt mỏi cho mỗi tài xế, từ đó khiến những hành trình trở nên an toàn hơn.
1. Chú ý dọn dẹp lại nội thất xe
Nhiều người có thói quen mua xe về chỉ "đổ xăng và chạy". Tuy nhiên những chiếc xe cũng cần được chăm chút để có thể phục vụ bạn tốt hơn. Sau một thời gian sử dụng, bụi bẩn và rác sẽ dần dần tích tụ ở bên trong xe. Đó có thể là những tờ tiền lẻ, vỏ bánh kẹo hay vé thu phí bị vứt vương vãi khắp nơi.
Điều này mặc dù không làm ảnh hưởng tới việc vận hành của xe, nhưng sẽ làm trải nghiệm sử dụng của bạn trở nên tệ hơn nhiều. Vì vậy hãy dành vài phút mỗi sáng hoặc sau mỗi chặng đường dài, dọn dẹp lại khoang nội thất, bỏ đi những vỏ chai nước, hộc để đồ và kiểm tra những khe nhỏ bên dưới ghế ngồi, sắp xếp lại cốp xe sao cho thật ngăn nắp.
2. Tạo sự chủ động về mặt thời gian
Đi làm sát giờ sẽ tạo ra căng thẳng, vì bạn luôn phải đối mặt với tâm lý sợ hãi đến muộn. Do vậy, hãy tính toán khoảng thời gian sao cho thích hợp và nhớ thêm một chút thời gian dự phòng cho những sự cố bất ngờ. Điều này sẽ khiến bạn luôn chủ động làm chủ được hành trình.
Với các mẫu xe hiện đại, bạn cũng có thể sử dụng một số ứng dụng thông minh như Waze (được cài đặt sẵn trên hệ thống giải trí SYNC 3 của Ford) hoặc Google map, để nắm được lưu lượng xe trên mỗi tuyến đường cụ thể theo thời gian thực.
3. Tạo không khí thư giãn bằng mùi hương
Chất lượng không khí bên trong khoang nội thất có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm trạng của tài xế, vì khứu giác là một trong những giác quan mạnh mẽ nhất của con người. Theo nghiên cứu của đại học Kyoto - Nhật Bản, một số loại mùi có thể giúp giảm căng thẳng, bao gồm: hương chanh giúp tập trung và thư giãn, hương hoa oải hương giúp kiểm soát căng thẳng, hương hoa nhài làm dịu thần kinh và tăng sự tự tin, hương quế giúp giảm mệt mỏi và tăng sự tập trung.
4. Chuyển nhạc nếu thấy căng thẳng
Ngoài mùi hương, âm nhạc sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Mặc dù có thể giúp tài xế tập trung và phản ứng với các tình huống nhanh hơn, các bài nhạc có tiết tấu mạnh đồng thời cũng có thể khiến bạn dễ xúc động và gặp căng thẳng.
Nếu bạn cảm thấy như vậy, hãy chuyển sang loại nhạc nhẹ nhàng và thư giãn hơn. Bạn cũng có thể chuyển sang nghe sách nói (audio book) hoặc các chương trình hài kịch. Tiếng cười không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn được chứng minh là tốt cho hệ tim mạch, hô hấp và cơ bắp.
5. Giảm nhẹ chân ga
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Giao thông Vận tải của Đại học Michigan, thói quen đạp mạnh chân ga để tăng tốc nhanh sẽ khiến chiếc xe của bạn càng tốn nhiều nhiên liệu hơn, trung bình khoảng từ 20 - 30%.
Bằng cách điều chỉnh chân ga phù hợp, bạn không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, mà còn cảm thấy thư giãn hơn khi cầm lái cũng như tập trung để ý và xử lý các tình huống bất ngờ. Thêm vào đó, đi chậm lại cũng giúp tâm trạng của bạn thư thái hơn.
6. Đừng để các tài xế khác làm ảnh hưởng đến tâm lý của bạn
Dù luôn tuân thủ tốc độ giới hạn và giữ làn đường, bạn vẫn có thể bị những chiếc xe khác chen ngang hoặc tạt đầu. Nếu gặp phải những trường hợp này, hãy nhường nhịn để họ vượt qua và tiếp tục tập trung vào việc lái xe của mình.
Nếu có điều kiện, hãy chủ động nhường làn trong cùng bên trái cho những tài xế đang vội và muốn đi trước. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể dễ dàng vượt xe phía trước khi cần thiết. Hãy sử dụng kế hợp các tính năng hiện đại như: cảnh báo điểm mù (BLIS), kiểm soát hành trình (cruise control) để giúp việc lưu thông được an toàn và tiện lơi hơn.
7. Hít thở sâu và thư giãn
Nhịp thở là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng tới tim mạch và tâm lý của mỗi người. Một bài tập hữu ích có thể áp dụng ngay tại chỗ là kỹ thuật thở một-một, nghĩa là hít vào, thở ra với cùng một nhịp và cường độ.
Một hơi thở sâu tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể hấp thụ đầy đủ khí oxy, điều hòa nhịp tim và ổn định huyết áp. Trong khi đó, việc hít thở nông sẽ không nạp đủ không khí tới đáy phổi, là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy lo lắng và khó thở.
Không phải bài tập thở nào cũng phù hợp để thực hiện khi đang cầm lái. Hãy tránh những bài tập thở phức tạp, luôn để ý các phương tiện xung quanh và đừng để việc đếm nhịp thở khiến bạn mất tập trung khi lái xe.