Tuy nhiên, theo tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review, khi nói về công nghệ điện tử trong ô tô, công ty còn non trẻ do Elon Musk sáng lập có vẻ đã vượt xa hai “gã khồng lồ” của công nghiệp ô tô toàn cầu.
Để đi đến kết luận này, phóng viên của Nikkei cùng các kỹ sư ô tô đã tiến hành tháo tung một chiếc Model 3, mẫu xe có giá “mềm” nhất và bán chạy nhất trong số các sản phẩm của Tesla. Mỗi chiếc Model 3 có giá bắt đầu từ khoảng 33.000 USD.
Điểm nổi bật nhất được phát hiện chính là bộ kiểm soát trung tâm tích hợp trong xe, hay còn gọi là “máy tính tự lái hoàn toàn”. Bộ phận này có một tên gọi khác là Hardware 3 (Phần cứng số 3), có kích thước nhỏ bé nhưng lại là vũ khí lớn nhất của Tesla trên thị trường ô tô điện đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ. Theo Nikkei, Hardware 3 có thể đặt một dấu chấm hết cho chuỗi cung ứng tồn tại bấy lâu nay trong ngành công nghiệp ô tô.
Một kỹ sư đến từ một hãng xe lớn của Nhật Bản đã xem xét bộ phận nói trên và sửng sốt nói rằng: “Chúng tôi không thể làm được như thế này”.
Được Tesla công bố vào mùa xuân 2019 và có mặt trong tất cả các mẫu Model 3, Model S và Model X thế hệ mới, Hardware 3 bao gồm hai con chip trí tuệ nhân tạo (AI) có diện tích bề mặt 260 mi-li-mét vuông. Tesla tự phát triển những con chip này, cùng với một phần mềm được thiết kế đặc biệt để hoạt động cùng phần cứng đó.
Bộ phận “máy tính tự lái hoàn toàn” của Tesla mang lại cho chiếc xe khả năng tự hành, đồng thời điều khiển luôn hệ thống thông tin-giải trí hiện đại tích hợp trong xe.
“Máy tính tự lái hoàn toàn” của Model 3 bao gồm hai bảng mạch: một bảng có các con chip AI tự động để phục vụ các tính năng tự lái; một bảng điều khiển hệ thống thông tin-giải trí. Nằm giữa hai bảng mạch là một bộ tản nhiệt làm mát bằng nước.
Nền tảng điện tử này, với cốt lõi là một máy tính mạnh, nắm giữ chìa khóa của việc xử lý các lô dữ liệu lớn trong những ô tô thông minh hơn và có mức độ tự hành cao hơn trong tương lai. Các chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô kỳ vọng công nghệ như vậy sớm nhất cũng phải đến năm 2025 mới trở nên phổ biến.
Điều này có nghĩa là Tesla đã đi trước đối thủ như Volkswagen và Toyota những 6 năm.
Ảnh hưởng của công nghệ mà Tesla đang nắm giữ đối với công nghiệp ô tô toàn cầu là rất lớn.
Tesla tạo ra “trung tâm thần kinh kỹ thuật số” cho ô tô như đề cập ở trên thông qua hàng loạt đợt nâng cấp đối với hệ thống lái tự động (Autopilot) nguyên bản mà hãng giới thiệu vào năm 2014. Thuộc Autopilot nguyên bản, Hardware 1 (Phần cứng số 1) là một hệ thống hỗ trợ tài xế ở mức độ giúp chiếc xe đi theo xe khác và đi đúng làn đường, chủ yếu trên cao tốc. Cứ mỗi 2-3 năm, Tesla lại phát triển phần cứng này lên cao hơn, đến nay đã đến thế hệ thứ 3, và mục tiêu là khả năng tự lái hoàn toàn.
Nếu xét đến nguồn lực tài chính và con người mà Volkswagen và Toyota sở hữu, không gì có thể ngăn cản họ đuổi kịp Tesla về công nghệ trước năm 2025. Tuy nhiên, theo vị kỹ sư của hãng xe Nhật nói trên, rào cản công nghệ không phải là lý do dẫn tới sự trì hoãn.
Lý do ở đây là: các hãng xe truyền thống lo ngại những máy tính như của Tesla sẽ làm cho chuỗi cung ứng linh kiện ô tô mà họ đã nuôi dưỡng, phát triển suốt nhiều thập kỷ qua trở nên “vô dụng”. Công nghệ như của Tesla sẽ cắt giảm mạnh mẽ số lượng bộ xử lý và điều khiển điện tử trung tâm (ECU) trong ô tô. Đối với các nhà cung cấp sống nhờ những linh kiện này, đây thực sự là vấn đề sống còn.
Bởi vậy, các hãng sản xuất ô tô lớn cảm thấy có nghĩa vụ phải tiếp tục sử dụng những mạng lưới phức tạp với hàng chục ECU, trong khi Model 3 chỉ cần một vài thiết bị như vậy. Nói cách khác, chính chuỗi cung ứng giúp các hãng xe lớn phát triển được như ngày nay đang bắt đầu trở thành rào cản cho khả năng sáng tạo của họ.
Trái lại, những công ty non trẻ như Tesla không bị ràng buộc với các nhà cung ứng và tự do theo đuổi những công nghệ tốt nhất. Việc tháo tung chiếc Model 3 mà Nikkei thực hiện còn chứng minh điều này theo một cách khác.
Hầu hết linh kiện bên trong chiếc xe không mang tên của bất kỳ một nhà cung cấp nào. Thay vào đó, chúng mang logo của Tesla, bao gồm cả cơ chất (substrate) bên trong các ECU. Điều này có nghĩa là Tesla nắm quyền kiểm soát chặt chẽ hầu hết các công nghệ chủ chốt trong chiếc xe.
Đã có trong tay phần cứng này rồi, Tesla có thể phát triển vô tận các cập nhật phần mềm. Ở thời điểm hiện tại, chiếc xe đang được phân loại là xe tự lái cấp độ 2, hay “tự lái một phần”. Nhưng ông Musk từng nhấn mạnh rằng Tesla có tất cả linh kiện cần thiết, gồm “máy tính và các thứ khác” để sản xuất ra ô tô tự lái hoàn toàn.
Từ phần mềm tới hệ thống lái điện tử, Tesla đang tiến những bước vững chắc trong việc tự phát triển công nghệ của mình. Nếu chiến lược này thành công, các hãng đối thủ sẽ không còn chiến lược nào khác là phải học theo, khiến mô hình kinh doanh và các chuỗi cung ứng bấy lâu bị đảo ngược. Nhưng đó là điều mà các hãng sẽ phải làm nếu muốn đuổi kịp Tesla.