Việc tham gia hội, nhóm và các diễn đàn về xe, bản chất là để giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sử dụng xe, với phần đông là tạo ra giá trị tốt. Tuy nhiên nhiều quản trị viên, và một số thành viên trong hội, nhóm lại có những mục đích cá nhân để trục lợi khiến nhiều người mới tham gia "mắc bẫy" lúc nào không hay.
Dưới đây là một số chiêu được nhiều thành viên và cả những quản trị viên chia sẻ.
Mua bán phụ kiện
Đây là cách các thành viên bán phụ kiện, thông qua việc tổ chức các cuộc giao lưu thực tế (offline). Trong cuộc chơi này, sẽ có những chiếc xe được nâng cấp rất nhiều phụ kiện, với mục đích "chim mồi" các chủ xe khác. Chủ xe "chim mồi" sẽ giới thiệu cho người mới về các chi tiết được nâng cấp để kích thích sự tò mò. Nhiều người mới sử dụng xe thường không phân biệt được phụ kiện nào thực sự cần thiết nên có thể tốn nhiều tiền để mua đồ tương tự, mà không cân đối được chi phí.
Không chỉ nâng cấp những món đồ không cần thiết, người giới thiệu cũng khéo léo cài cắm một vài địa chỉ bán hàng. Ở một số hội nhóm, quản trị viên trực tiếp bán như một hình thức tạo uy tín, đảm bảo chất lượng. Nhưng cũng có thể người bán là các thành viên có liên kết, ăn chia lợi nhuận với các quản trị viên. Nguồn gốc phụ kiện đôi khi khá mập mờ.
Đặng Giang, 35 tuổi, Hà Nội người đã từng trải qua việc bị dẫn dắt khi tham hội nhóm, cho biết một số thủ đoạn khá "tinh vi" của các thành viên có mục đích không tốt. Ví dụ, nhóm có vài người cùng bán, nhiều người khác đánh giá để nâng cao uy tín của một người cung cấp, nhưng thực ra tất cả đều liên kết với nhau.
Giang từng mua tới gần 300 triệu đồng mâm, lốp, body-kit, vô-lăng, loa, đèn viền nội thất, tuy nhiên sau này anh phát hiện có tới quá nửa là hàng cũ, hàng Trung Quốc chất lượng thấp, số còn lại là hàng bãi tháo xe chứ không phải mới hay chính hãng như được quảng cáo lúc đầu. Người đã trót mua cũng không thể kêu cứu ai, bởi đã sử dụng tới va ba tháng, không có cơ sở để đổ lỗi cho người bán.
Trao đổi xe cũ - mới
Thanh Lâm, 33 tuổi, Hà Nội cho biết từng mua phải một chiếc xe do lời tâng bốc thái quá của người bán. Admin sẽ lập ra các group xe cũ, ở đây đa phần xe Đức, châu Âu. Đầu tiên admin và các thành viên sẽ đăng nhiều bài viết về việc sữa chữa rẻ, đồ dễ thay, và lỗi không quá nghiêm trọng. Sau đó là các bài viết về giá đang được giao dịch trên thị trường theo giá chủ định bán. Tiếp đó tạo ra các cuộc giao lưu, chạy xe tạo sức hút, những buổi họp nhóm. Việc cuối cùng là "đi săn". Những người mới chơi thấy thích sẽ xuống tiền.
Thực tế người chơi sẽ nhận được một chiếc xe không "lành" như đánh giá. Như Thanh Lâm đã phải bán gấp chiếc xe Đức với giá chỉ bằng 30% lúc mua, bởi anh cho rằng không thể nuôi xe hơn 10 năm tuổi mà liên tục phải phục vụ việc chăm sóc, sửa chữa.
Việc này cũng gặp ở những chiếc xe lướt và xe sang lướt. Người bán bị ép giá thấp, người mua lại phải trả giá cao khi qua tay những thợ xe trá hình dưới vỏ bọc hội nhóm.
Sửa chữa
Đây là vấn đề hay gặp phải ở các dòng xe cũ khó sửa chữa hoặc hay bị lỗi. Anh Văn Phúc, 45 tuổi thợ sửa chữa tại Hà Nội cho biết trước đây là từng nhận được lời mời tham gia vào hội nhóm với mục đích như vậy.
Nhiệm vụ của anh sẽ phải xác nhận với người mới sử dụng dòng xe đó về lỗi xe gặp phải và đưa ra một trình tự sửa chữa khá phức tạp. Mục đích cuối là đẩy giá sửa chữa lên gấp 2-3 lần thông thường, ăn chia với các quản trị viên hoặc thành viên hoạt động thường xuyên. Phần còn lại về việc "dắt gà" hay bảo kê nếu không may có thợ khác can thiệp sẽ được các quản trị viên đứng ra bảo lãnh.
Từ thiện
Cách kiếm tiền sử dụng lòng trắc ẩn của các thành viên ngày càng phổ biến, khi phong trào làm từ thiện lên cao. Quản trị viên, thành viên uy tín hoặc một đơn vị thứ ba đứng ra huy động, có thể huy động tiền mặt hoặc bán logo hội nhóm với giá cao. Tiền từ thiện được công khai, tuy nhiên có dùng hết hay không thì lại không được đưa ra hoặc con số không chính xác.