Chu kỳ kiểm định đối với các loại xe ô tô
Theo đó, đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ kiểm định lần đầu là 30 tháng. Khi đã hoàn thành đăng kiểm lần đầu, các mốc đăng kiểm kế tiếp được quy định dựa vào năm sản xuất của xe. Trong đó, xe sản xuất dưới 7 năm có chu kỳ kiểm định được quy định là 18 tháng. Những xe sản xuất từ 7 năm đến 12 năm có chu kỳ là 12 tháng và những xe sản xuất trên 12 năm có chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
Trong khi đó, ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ sẽ được chia ra thành 2 loại. Đầu tiên với các loại ô tô chưa cải tạo, chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 18 tháng, chu kỳ kế tiếp sẽ là 6 tháng/lần.
Đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ có cải tạo lại sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 12 tháng, sau đó chu kỳ định kỳ đăng kiểm là 6 tháng/lần.
Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên, ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên sẽ có chu kỳ đăng kiểm ngắn nhất là 3 tháng/lần.
Các loại ô tô sau khi đăng kiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Quá hạn đăng kiểm ô tô sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Trường hợp quá hạn đăng kiểm ô tô, chủ xe sẽ bị xử phạt. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm, dù chỉ một ngày cũng có thế bị phạt hành chính từ 2 triệu, nếu là xe của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thì tổng mức phạt có thể lên tới 22 triệu đồng.
Cụ thể, theo điểm c, khoản 4, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe sẽ lên đến từ 4-6 triệu đồng theo quy định tại điểm e, khoản 5, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Không chỉ tài xế, nếu chủ xe là các cá nhân, tổ chức để quá hạn đăng kiểm cho lái xe, cũng sẽ bị xử phạt.
Tại điểm b, khoản 8, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự… nếu đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.
Trường hợp ô tô, xe cơ giới, xe máy chuyên dụng quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng. Chủ xe là tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính ở mức 12-16 triệu đồng theo điểm c, khoản 9, điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Như vậy, với những xe quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, cả lái xe và chủ xe có thể bị phạt tổng cộng lên tới 22 triệu đồng. Ngoài mức phạt hành chính, lái xe sẽ bị tước giấy phép lái xe 3 tháng.