Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ đang được trình lên Quốc hội. Theo thông tin, Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ bổ sung và sửa đổi rất nhiều nội dung đáng chú ý so với Luật Giao thông Đường bộ hiện hành được ban hành năm 2008.
Trong đó, Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ có các quy định về đăng kiểm khí thải xe máy và trách nhiệm của chủ phương tiện xe mô tô, xe gắn máy. Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện như: Quy định trách nhiệm cụ thể giữa hai kỳ đăng kiểm, kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc đảm bảo yêu cầu về điều kiện phương tiện khi tham gia giao thông, giao phương tiện cho người đủ điều kiện điều khiển.
Cụ thể trong quy định về bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật quy định xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải. Việc tổ chức kiểm định, cải tạo xe cơ giới và công tác kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũng như việc kiểm tra, giám sát việc kiểm định, cải tạo xe cơ giới sẽ do cơ quan đăng kiểm thực hiện.
Trong trường hợp dự thảo Luật được thông qua, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, cải tạo xe cơ giới cũng như việc tổ chức thực hiện kiểm định, cải tạo xe cơ giới và kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Với các quy định như trên, nếu Dự thảo Luật được thông qua, chủ sở hữu xe mô tô, xe gắn máy sẽ bắt buộc phải kiểm tra, kiểm định về phát thải khí thải định kỳ. Hiện nay, chủ sở hữu xe máy, xe mô tô chỉ được đăng kiểm ở khâu đầu vào, áp dụng với các nhà sản xuất nội địa và doanh nghiệp nhập khẩu mô tô, xe gắn máy.
Ban đầu, dự thảo Luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2021). Tuy nhiên, tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2020, hơn 52% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu thống nhất giao Quốc hội khóa mới thông qua tại kỳ hợp thứ 2 (Quốc hội khóa XV).
Quy định về việc yêu cầu các chủ phương tiện xe mô tô, xe gắn máy phải tiến hành đăng kiểm, kiểm tra định kỳ về khí thải phương được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để xử phạt, thậm chí thu hồi với xe máy cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Hiện nay, đề án “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành" nhằm hạn chế lượng lớn xe máy "quá đát", thải khí gây ô nhiễm môi trường đang được ngành giao thông TP.HCM xây dựng. Giải pháp ưu tiên hàng đầu là khuyến khích thu hồi xe cũ kém chất lượng, mất an toàn để kiểm soát khí thải. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm tra, thu hồi xe cũ, xe nát đang gặp nhiều bất cập. Thực tế, cả Hà Nội và TP.HCM đều đã từng lên phương án xử lý xe máy cũ nát, tự chế không đủ tiêu chuẩn lưu thông trên đường phố, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hầu như các giải pháp đều chưa giải quyết được vấn đề, do thiếu hành lang pháp lý cũng như biện pháp hỗ trợ kinh tế cho người dân, nhằm khuyến khích đổi xe cũ lấy xe mới.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng gia tăng. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị yêu cầu Hà Nội và TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.