Turbo tăng áp là gì?
Bộ tăng áp động cơ ô tô (Turbocharger – gọi tắt là turbo) là một loại thiết bị cảm ứng cưỡng bức, giúp tăng công suất động cơ đốt trong bằng cách đưa thêm không khí nén vào buồng đốt. So với động cơ hút khí tự nhiên, động cơ lắp thêm turbo có thể đưa nhiều không khí hơn.
Nói một cách dễ hiểu, công dụng của turbo tăng áp là tăng công suất động cơ mà không cần phải tăng số lượng hay dung tích xi lanh trong động cơ. Áp suất thông thường trong không khí là 1 at. Với turbo tăng áp, áp suất nén sẽ tăng thêm khoảng từ 0,408 – 0,544 at. Như vậy theo lý thuyết, turbo tăng áp giúp công suất động cơ tăng lên khoảng 50%. Còn trên thực tế, tuy hiệu suất không hoàn hảo nhưng công suất động cơ cũng được tăng thêm từ 30 – 40%.
Khởi động động cơ đúng cách
Đa số lái xe hẳn đã biết phải chờ động cơ đạt đến nhiệt độ thích hợp trước khi vận hành xe. Tuy nhiên có một quan niệm sai lầm rằng xe đã sẵn sàng để khởi hành sau khi đèn tín hiệu nước làm mát báo tắt.
Vấn đề là, nước làm mát có khả năng hấp thụ nhiệt tốt hơn dầu động cơ, dẫn đến khả năng hệ thống làm mát đã ổn định nhưng hệ thống dầu chưa đạt nhiệt độ yêu cầu, do đó động cơ vẫn có thể bị nguy hại.
Xe có sử dụng tăng áp càng nhạy cảm hơn với vấn đề này, bởi bộ phận tăng áp rất dễ hư hỏng khi tiếp xúc với dầu động cơ chưa đủ nóng. Vì vậy, người lái xe nên có thói quen chờ thêm vài phút sau khi đèn tín hiệu nước làm mát báo tắt, để đảm bảo động cơ hoàn toàn sẵn sàng trước khi khởi hành.
Khi di chuyển quãng đường dài, khả năng cao một số bộ phận như tăng áp sẽ nóng hơn các bộ phận còn lại trong động cơ.
Không bao giờ tắt máy ngay sau khi di chuyển quãng đường dài
Khi di chuyển quãng đường dài, khả năng cao một số bộ phận như tăng áp sẽ nóng hơn các bộ phận còn lại trong động cơ. Việc tắt máy ngay sau đó đồng nghĩa với việc ngưng dòng chảy của dầu trong động cơ, dẫn đến việc để lại dầu nóng ở bộ phận tăng áp và kết quả là dầu bị phân hủy.
Hiện tượng này sẽ làm giảm đặc tính bôi trơn của dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ và khiến việc phải thay dầu diễn ra thường xuyên hơn bình thường. Các biện pháp để tránh hiện tượng này bao gồm:
- Không tăng tốc đột ngột trước khi đến đích đến.
- Đợi ít nhất 1 phút trước khi tắt máy sau khi lái xe.
Bên cạnh đó, khi sử dụng xe hơi có động cơ tăng áp, bạn nên kiểm tra định kì hệ thống đường dẫn khí cao áp, bảo dưỡng hệ thống làm mát khí nạp tăng áp sau mỗi 160.000km, không di chuyển quá chậm ở cấp số cao và cẩn thận lái xe ở các góc cua...