Người đăng tải clip cho biết sự việc xảy ra vào hơn 9h sáng cùng ngày, chiếc xe lúc đó đang lưu thông trên phố Rạch Gầm (TP Mỹ Tho).
Ngày 18/7, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đang xác minh thông tin và sẽ xử lý theo quy định.
Khi video này lan truyền trên mạng xã hội, chỉ trong thời gian ngắn đã khiến dư luận "dậy sóng", rất bức xúc, phẫn nộ.
Chia sẻ với báo chí, anh N.H.Đ (ngụ tại Mỹ Tho), người quay đoạn clip "bé gái 4 tuổi ôm vô lăng điều khiển xe trên đường" đăng lên mạng xã hội cho biết: Vụ việc xảy ra vào khoảng 9h20 ngày 17/7 khi anh đang trên đường đi làm.
Khi anh Đ. đi qua đoạn Rạch Gầm hướng ra ngã tư đường Lê Lợi thuộc phường 1 (TP Mỹ Tho), anh Đ. thấy cảnh tài xế xe ô tô con loại 4 chỗ để một bé gái khoảng 4 tuổi ngồi trên người. Tài xế này còn để bé gái ôm vô lăng điều khiển xe trong lúc xe di chuyển trên đường. Anh Đ. đã quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Với hành vi của người đàn ông khi để bé gái cầm vô lăng lái xe sẽ đối mặt với các hình thức xử phạt nào?
Theo Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) quy định nghiêm cấm giao xe cơ giới (xe ô tô, xe máy…) cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Điều 58 Luật GTĐB cũng nêu rõ, điều kiện để người lái xe tham gia giao thông là phải đủ độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Độ tuổi của người lái xe quy định cụ thể như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3,5 tấn; ô tô chở người đến chín chỗ ngồi.
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái ô tô tải, máy kéo có trọng tải trên 3,5 tấn.
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi.
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi.
- Tuổi tối đa của người lái ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Từ những quy định nêu trên, áp dụng trong trường hợp này tài xế để cho cháu bé cầm vô lăng lái xe đã vi phạm quy định của Luật GTĐB và sẽ bị xử phạt theo điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 46/2016.
Theo đó, phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân nào để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, theo điều 264, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Như vậy, đối với tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.