Không tránh khỏi cuộc “tắm máu” của thị trường chứng khoán Mỹ ngày đầu tuần, cổ phiếu hãng xe điện đình đám chốt phiên với mức giảm 13,6%, còn 608 USD/cổ phiếu. Mức giảm này nhiều hơn 6 điểm phần trăm so với cú giảm của S&P 500 - thước đo rộng nhất của thị trường chứng khoán Phố Wall.
Sự sụt giảm “kinh hoàng” của giá dầu, có lúc lên tới hơn 30% trong phiên này, cộng thêm sự lan rộng của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu là những nhân tố gây nên nỗi hoảng loạn trong tâm trí giới đầu tư. Cổ phiếu ồ ạt bị bán tháo ngay khi thị trường vừa mở cửa, khiến cả ba chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đồng loạt giảm ngay lập tức trên 7%,và cơ chế tạm ngừng giao dịch có thời điểm bị kích hoạt.
Đà bán tháo tiếp diễn sau khi giao dịch được nối trở lại. Chốt phiên, ba chỉ số chứng khoán Mỹ giảm từ 7,3-7,9%, đánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu sụt giảm phiên này là cuộc chiến giá dầu vừa được châm ngòi giữa Saudi Arabia và Nga. Do bất đồng về vấn đề sản lượng giữa hai bên, Riyadh quyết định tăng sản lượng và mạnh tay hạ giá bán dầu nhằm giành thị phần.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI và dầu Brent giảm tương ứng 24,6% và 24,1%, chạm đáy hơn 4 năm và đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1991.
Việc giá dầu xuống thấp, sát mốc 30 USD/thùng, có thể đặt ra thách thức lớn đối với hai sản phẩm chủ lực của Tesla là ô tô chạy điện và tấm pin mặt trời, bởi người tiêu dùng sẽ có lý do để tiếp tục gắn bó với nhiên liệu hóa thạch. Lịch sử cho thấy, khi giá xăng dầu giảm, doanh số xe điện và pin mặt trời thường giảm tốc.
Ở thời điểm hiện tại, Tesla đã chật vật với ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở Trung Quốc và trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh đã buộc Tesla có thời điểm phải tạm dừng hoạt động nhà máy ở Thượng Hải và đóng cửa các cửa hiệu tại Trung Quốc. Trong tháng 2, doanh số ô tô tại Trung Quốc giảm kỷ lục 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước, khách hàng Tesla ở Trung Quốc phàn nàn hãng này giao cho họ những chiếc Model 3 “made in China” được trang bị phần cứng lái tự động Autopilot không tiên tiến như đã hứa. Tesla giải thích rằng do gián đoạn chuỗi cung ứng, hãng buộc phải dùng phần cứng phiên bản cũ để lắp cho xe sản xuất ở Trung Quốc. Thông tin này cũng khiến giá cổ phiếu Tesla sụt giảm.
Theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush, triển vọng của Tesla tại thị trường Trung Quốc trong dài hạn vẫn sáng, nhưng hãng sẽ gặp nhiều thách thức trong 2020.
“Vấn đề chuỗi cung ứng ở Trung Quốc vẫn đang là một mối lo”, ông Ives viết. “Xét tới ảnh hưởng của dịch corona ở Trung Quốc và châu Âu lên nhu cầu mua xe, chúng tôi cho rằng Tesla khó đạt mục tiêu doanh số quý 1. Tuy nhiên, chúng tôi tin Tesla vẫn sẽ đạt mục tiêu doanh số 500.000 xe trong tài khóa 2020”.
Theo một số báo cáo, Tesla giao hàng được 3.958 xe tại Trung Quốc trong tháng 2.
Nhà phân tích Ram Chandrasekaran của Wood Mackenzie nhấn mạnh rằng giá cổ phiếu Tesla đã tăng mạnh trong nhiều tuần nhờ những bước tiến quan trọng mà hãng đạt được ở thị trường Trung Quốc. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi giá cổ phiếu này giảm mạnh do dòng tin xấu từ Trung Quốc và dưới sức ép từ tình trạng giảm sâu của toàn thị trường.
Giá cổ phiếu nhiều hãng xe điện và năng lượng mặt trời khác cũng giảm mạnh phiên ngày 9/3, như cổ phiếu Nio giảm 7,3%, cổ phiếu SunRun giảm 17%.
Với phiên giảm này, tài sản ròng của ông Musk sụt 3,7 tỷ USD, còn 34 tỷ USD. Ông hiện đứng ở vị trí 25 trong xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh của Bloomberg Billionaires Index.
Vốn hóa thị trường của Tesla ở thời điểm chốt phiên còn hơn 111 tỷ USD. So với mức kỷ lục trên 917 USD/cổ phiếu thiết lập hồi trung tuần tháng 2, cổ phiếu này hiện đã giảm khoảng 34%.