Tại thị trường ô tô Việt Nam, giá niêm yết được các hãng xe công bố là mức giá đã bao gồm 10% thuế VAT. Đây cũng là mức giá được ngành tài chính đưa vào hệ thống để làm căn cứ tính các loại phí và lệ phí khác.
Giá lăn bánh sẽ bao gồm giá niêm yết cộng với các loại loại phí và lệ phí bắt buộc phải đóng để chiếc xe “đủ quyền” lưu thông.
Trong đó, chi phí đầu tiên và rất đáng chú ý là lệ phí trước bạ. Loại lệ phí này hiện không áp dụng đồng nhất tại Việt Nam mà có sự khác biệt giữa nhiều địa phương khác nhau. Những chênh lệch về tỷ lệ thu lệ phí trước bạ ô tô xuất phát từ quy định các các địa phương có thể dựa trên tình hình cụ thể để áp dụng mức thu từ mức cơ bản 10% và không quá 15%.
Hiện tại, có tổng cộng 9 tỉnh, thành phố cùng áp dụng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ 12% đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu, bao gồm: Hà Nội, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và Sơn La. Riêng tỉnh Hà Tĩnh áp dụng tỷ lệ thu 11%. TP.HCM và các địa phương còn lại áp dụng chung mức thu 10%.
Ngoại lệ phí trước bạ còn một loại phí khác cũng có mức thu khác nhau giữa các địa phương là phí cấp biển số. Cụ thể, phí cấp biển số tại Hà Nội là 20 triệu đồng, TP.HCM thu 11 triệu đồng và các địa phương còn lại thu 1 triệu đồng.
Các loại phí cơ bản khác được tính vào giá lăn bánh đều áp dụng mức thu thống nhất trên toàn quốc. Trong đó, phí bảo hiểm TNDS đối với xe từ 5 chỗ ngồi chở xuống ở mức 480.700 đồng; phí đối với xe 6-9 chỗ áp dụng ở mức 873.400 đồng.
Phí đăng kiểm đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi áp dụng thống nhất trên toàn quốc ở mức 340.000 đồng.
Riêng phí bảo trì đường bộ sẽ thu tối thiểu 1 năm đối với xe đăng ký lần đầu và ở mức 1,56 triệu đồng. Người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn đóng phí bảo trì đường bộ theo các thời hạn 1 năm, 18 tháng hoặc 3 năm.