Tuy nhiên, giới đầu tư có vẻ không tin rằng hướng đi này sẽ sớm mang lại thành quả.
Mấy tháng gần đây, các hãng xe “nối đuôi” nhau theo Tesla mạnh tay đầu tư vào sản xuất pin - mắt xích được xem là giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng ô tô điện. Trong khi nhà sáng lập Elon Musk của Tesla đã bắt tay với hãng điện tử Nhật Bản Panasonic để sản xuất pin xe điện tại một nhà máy ở bang Nevada từ mấy năm trước, các hãng xe truyền thống lại dựa vào các đối tác chuyên pin xe.
Tháng 9/2019, hãng xe Đức Volkswagen mở liên doanh với Northvolt - một startup Thụy Điển được sáng lập bởi hai cựu nhân viên Tesla - để mở một nhà máy pin ở Đức. Tháng 12/2019, GM tuyên bố bắt tay với hãng pin Hàn Quốc LG Chem xây dựng một nhà máy 2,3 tỷ USD ở bang Ohio.
Tháng 1 năm nay, PSA - hãng mẹ thương hiệu xe Pháp Peugeot, chuẩn bị sáp nhập với Fiat Chrysler - công bố hợp tác với SAFT, một công ty pin hiện thuộc sở hữu của tập đoàn dầu lửa Total. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ đầu tư tổng cộng 5,5 tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ tới để sản xuất pin ở Pháp và Đức.
Tiếp đó, vào tháng 2 vừa rồi, hãng xe Nhật Toyota cho biết sẽ thành lập một liên doanh với Panasonic mà theo đó Toyota sẽ nắm quyền kiểm soát một số nhà máy pin của Panasonic ở Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong trường hợp của Volkswagen, chính trị có ảnh hưởng lớn đến quyết định nhảy vào lĩnh vực pin xe. Chính quyền bang Lower Saxony là một cổ đông lớn của Volkswagen, nên hãng có một lịch sử dài các vụ đầu tư lớn vào bang này. Với chiến lược đẩy mạnh điện hóa xe, Volkswagen sẽ phải giảm bớt hoạt động sản xuất động cơ đốt trong ở Lower Saxony, và hãng phải tìm một thứ gì đó mới để bù lại.
Trong trường hợp của GM và PSA, chính trị cũng giữ vai trò quan trọng. GM không ngại thừa nhận kế hoạch xây dựng nhà máy pin xe điện nói trên là một sự bù đắp cho việc hãng đóng cửa một số nhà máy ở Mỹ sau cuộc đàm phán với Liên đoàn Công nhân Ô tô (UAW) vào cuối năm ngoái. Kế hoạch của PSA và Total thì dự kiến sẽ nhận được khoảng 1,5 tỷ USD tiền trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù vậy, CEO Mary Barra của GM và CEO Carlos Tavares của PSA cũng nhấn mạnh rằng các hãng xe chú trọng nhiều hơn đến khả năng đạt lợi nhuận và vấn đề phân bổ vốn khi đi đến quyết định đầu tư sản xuất pin.
Trong một bài thuyết trình trước giới đầu tư vào hôm 4/3, bà Barra đưa ra lý lẽ thuyết phục về ý nghĩa tài chính của việc đầu tư vào lĩnh vực pin.
Theo bà Barra, việc nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với chuỗi cung ứng sẽ mang lại cho GM đòn bẩy để hạ giá thành pin xuống tới mức làm cho xe điện vừa hấp dẫn người tiêu dùng vừa có khả năng mang lại lợi nhuận cho hãng.
Trong một bài thuyết trình vào tháng 2, ông Tavares cũng đưa ra lý lẽ tương tự.
Chiến lược đầu tư sản xuất pin xe có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho các hãng ô tô, nhưng cũng đòi hỏi ở giới đầu tư sự kiên nhẫn. Sản xuất pin xe nói chung đến nay chưa phải là một lĩnh vực có khả năng sinh lời tốt, ngay cả ở những nhà sản xuất pin lâu năm nhất đến từ khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, các hãng xe muốn đảm bảo chắc chắn nguồn cung pin xe sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc trực tiếp bắt tay vào làm, bởi nguồn cung các sản phẩm pin xe chất lượng cao không hề nhiều.
Khi giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh mấy tháng gần đây, câu hỏi liệu người tiêu dùng có sẵn sàng mua xe điện hay không đã bị thay thế bởi một câu hỏi mới: liệu các hãng xe có sẵn sàng làm xe điện hay không?
Và các hãng xe lớn đang đi đến câu trả lời cách duy nhất để đảm bảo cho tương lai của họ trong kỷ nguyên xe điện là bắt tay vào sản xuất pin - đồng nghĩa theo đuổi một dạng hội nhập theo chiều dọc vốn bị coi là “lỗi thời” trong suốt nhiều thập kỷ trở lại đây.