Về lý thuyết, giải đua ô tô Formula One có thể phá sản nếu tất cả các đội, hoặc nhiều đội, ra đi. Tuy nhiên, khả năng này có vẻ sẽ không thành hiện thực.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy các đội đua sẽ rời khỏi Formula One dù trước đây họ từng đe dọa sẽ làm như thế để gây áp lực nhằm tăng tiền thưởng. Ngoài ra, các đội đua cũng đã hết thời gian “dọa” vì các giải đua mới sẽ cần hơn 1 năm để chuẩn bị. Vì vậy, dù chưa ký kết tiếp tục tham gia các mùa giải sau năm 2020, các đội đua cũng đã hết cơ hội thương lượng.
Xe F1 và các cơ sở vật chất đầu tư cho F1 chính là bằng chứng lớn cho thấy các đội đua rất khó chuyển sang những giải đua khác. Các đội có thể không tham gia các giải đua nữa, nhưng điều đó sẽ khiến hàng ngàn tài sản, đầu tư rơi vào lãng phí không thể tưởng tượng nổi. Thay vào đó, các đội đua có vẻ hài lòng với các điều khoản do Liberty Media, công ty đầu tư đã mua F1 với giá 4,6 tỷ USD vào tháng 1/2017, đưa ra.
Mặc dù tiền thưởng của các đội sẽ vẫn ở mức khoảng 900 triệu USD, chi phí sẽ giảm thông qua chính sách mức trần ngân sách 175 triệu USD.
Như đã nói, mức trần này chưa bao gồm nhiều chi phí lớn nhất của F1, chẳng hạn tiền lương cho tay đua và phát triển động cơ, nhưng chính sách mới vẫn ảnh hưởng đến các đội đua hàng đầu. Đó là những đội chi mạnh tay nhất cho F1 và thường tăng ngân sách hàng năm hòng giành chiến thắng trên đường đua.
Ferrari ban đầu là một trong những nhà phê bình chính sách giới hạn ngân sách mạnh nhất, nhưng những tháng gần đây Ferrari đã có những điều chỉnh ngoạn mục. Đến nỗi, giám đốc điều hành Louis Camilleri của đội đua Ferrari tuyên bố vào tháng 12 rằng ông ủng hộ chính sách giới hạn chi tiêu.
Mới đây, Ferrari đã ký hợp đồng năm năm với tay đua Charles Leclerc. Đầu tuần này, tay đua người Hà Lan Max Verstappen cũng đã gia hạn hợp đồng với Red Bull Racing đến năm 2023. Các đội khác cũng ký hợp đồng dài hạn với các tài xế, nhà cung cấp động cơ và nhà tài trợ. Vì thế, rõ ràng các đội đua vẫn tiếp tục gắn bó với Formula One. Vậy tại sao 12 tháng tới sẽ là giai đoạn đầy thách thức cho giải đua Công thức Một?
Đó chính là Liberty Media. Khi nhà đầu tư này mua F1, họ đã hứa những điều lớn lao và thực hiện nhiều thay đổi sâu rộng nhằm đạt mục tiêu.
Nắm quyền lực trong tay, Liberty thay thế giám đốc điều hành lâu năm của F1, Bernie Ecclestone bằng phó chủ tịch 21st Century Fox, Chase Carey. Hãng cũng chuyển sang một văn phòng mới sang trọng ở London, tăng số lượng nhân viên, ra mắt dịch vụ phát trực tuyến, thay đổi logo F1 và thậm chí ra một giai điệu chủ đề mới cho F1.
Tất nhiên, mọi hoạt động này đều tốn kém và chi phí F1 đã tăng 35,3% lên 514 triệu USD trong hai năm đầu tiên khi Liberty tiếp quản. Trong khi đó, doanh thu F1 chỉ tăng 1,7% lên 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ.
Điều này khiến các nhà đầu tư bất bình và trong năm 2018, cổ phiếu F1 đã giảm 11,8%, khép lại ở mức 30,70 USD. Sang năm 2019, cổ phiếu F1 khá hơn và tăng hơn 49,7% so với lúc Liberty bắt đầu. Nhưng sang đầu năm 2020, cổ phiếu F1 lại mất 1,1% giá trị.
Liberty vẫn chưa đạt mục tiêu mà Morgan Stanley đặt ra vào năm 2018 khi dự báo cổ phiếu F1 sẽ có giá 47 USD vào tháng 1/2019. Hiện tại, giá cổ phiếu F1 vẫn ở mức thấp hơn mục tiêu là 1,35 USD và chưa bao giờ đến gần mục tiêu ở mức giao động 50 cent.
Khoảng 81,4% doanh thu hàng năm 1,8 tỷ USD của F1 đến từ ba nguồn chính: phí phát sóng, tài trợ và phí tổ chức cuộc đua. F1 cần điều chỉnh để tăng doanh thu từ các nguồn này.
Doanh thu tài trợ của F1 năm 2018 đạt 266,4 triệu USD, chỉ tăng 1,7% so với con số năm trước khi Liberty mua lại F1. F1 đã không ký được bất kỳ thỏa thuận mua vé lớn nào dưới thời Carey và mặc dù gần đây ông cho biết hy vọng sẽ “thu phục” được một đối tác lớn, song không có gì đảm bảo sẽ được bật đèn xanh. Giá là rào cản lớn nhất.
Một số nhà tài trợ lớn nhất của F1 là hãng đồng hồ xa xỉ Rolex, hãng hàng không Emirates và nhãn hiệu bia Heineken. Họ tài trợ cho các chặng đua F1 và được treo các biểu ngữ xung quanh trường đua, sử dụng logo F1 trong các chiến dịch tiếp thị với mức phí lên tới 50 triệu USD hàng năm. Mức giá cao cấp này có hiệu ứng rực rỡ đối với các nhà tài trợ F1 trong một thị trường bùng nổ nhưng khi khó khăn, nó mang lại là rào cản lớn với những nhà tài trợ nhỏ.
Ngoài tài trợ, nguồn doanh thu lớn tiếp theo của F1 là bản quyền phát sóng các chặng đua. Mảng này mang lại doanh thu 603,9 triệu USD trong năm 2018. Cách dễ nhất để tăng doanh thu từ nguồn thu này là chuyển từ các mạng phát sóng miễn phí sang các đối thủ truyền hình trả tiền lớn hơn.
Các đài truyền hình trả tiền thu phí thuê bao và phải đầu tư để mua những nội dung hấp dẫn khách hàng mới. Tuy nhiên, F1 đã được chiếu trên các kênh truyền hình trả tiền ở hầu hết các thị trường lớn, vì thế tiềm năng phát triển khá hạn chế. Ngay cả khi Liberty tìm cách tăng doanh thu ở mảng này, có nguy cơ sẽ làm giảm lượng khán giả F1. Các kênh truyền hình miễn phí thường có lượng khán giả lớn hơn so với các đối tác truyền hình trả tiền. Bằng chứng là khán giả truyền hình toàn cầu xem F1 đã giảm 18,3% xuống còn 490,2 triệu người xem trong 11 năm qua khi F1 ký kết với các đài truyền hình trả tiền.
Liberty hy vọng phát trực tuyến các cuộc đua sẽ khởi động một nguồn doanh thu mới đáng kể và trong năm 2018, báo cáo cho biết F1 có 5 triệu khán giả tiềm năng. Ông Frank Arthofer, người đứng đầu toàn cầu về kỹ thuật số, truyền thông và cấp phép của F1, cho biết: “Theo ước tính, chúng tôi có khoảng 500 triệu người hâm mộ trên thế giới, đây là một con số khá lớn. Nếu tính một cách dè dặt, chỉ cần 1% số khách hàng đó là người hâm mộ cuồng nhiệt, thì F1 sẽ có một nhóm 5 triệu khán giả tiềm năng”.
Theo Forbes, một lĩnh vực mà Liberty đang tiến bộ là lịch đua F1. Kể từ khi nắm quyền kiểm soát F1, Liberty đã có các cuộc đàm phán nhằm mở rộng chặng đua. Và trong năm 2019, F1 cuối cùng đã ký hợp động hai chặng đua mới là ở Hà Lan và Việt Nam bắt đầu vào năm nay.
Phí tổ chức cuộc đua là nguồn doanh thu lớn nhất của F1. 21 chặng đua đã tạo ra tổng cộng 616,7 triệu USD trong năm 2018 với mức trung bình là 29,4 triệu USD/chặng đua. Chi phí cao khủng khiếp này đã khiến một số nhà tổ chức quốc gia đến bờ vực và năm ngoái Liberty đã cắt giảm phí của các sự kiện ở Anh, Ý, Mexico và Tây Ban Nha khi ký hợp đồng mới với họ. Dù vậy, doanh thu đến từ nguồn phí tổ chức này sẽ vẫn đạt mức kỷ lục trong năm nay, khi có thêm 2 chặng đua mới là Hà Lan và Việt Nam.
Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi kết quả của quý đầu tiên, thứ hai và thứ ba của năm 2020 để xem liệu Liberty có thực sự đưa F1 đi đúng hướng hay không. Chặng đua F1 đầu tiên trong mùa giải 2020 sẽ diễn ra vào 13-15/3/2020 tại Australia, nhưng đối với Liberty, cuộc đua năm 2020 đã bắt đầu.