Ô tô Mỹ được nhập khẩu vào Cuba trong suốt khoảng 50 năm, bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ 20. Sau Các mạng Cuba 1959, nước này cấm nhập khẩu ô tô và phụ tùng từ Mỹ. Đó là lý do vì sao Cuba ngày nay trở thành một “bảo tàng sống” của xe cổ do Mỹ sản xuất.
Sau 1959, ô tô nhập khẩu vào Cuba chủ yếu là xe do Liên Xô sản xuất, nhiều nhất là xe Lada. Gần đây, hơn, Cuba nhập xe của các hãng như Geely, Citroen, Nissan…
Ngày nay, có khoảng 60.000 ô tô Mỹ cổ ở Cuba. Giới chuyên gia ước tính rằng, khoảng một nửa trong số này là xe từ thập niên 1950, 25% từ thập niên 1940, và 25% còn lại từ thập niên 1930. Những chiếc xe cổ thường là tài sản thừa kế trong các gia đình Cuba, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dưới đây là một số điều thú vị về ô tô cổ ở Cuba do trang The Things điểm qua:
Không thể đưa xe cổ ở Cuba ra nước ngoài
Theo một đạo luật thông qua vào năm 2010, việc xuất khẩu ô tô khỏi Cuba bị cấm. Chỉ công dân Cuba và một số đối tượng người nước ngoài cư trú ở nước này mới được mua ô tô. Ngoài ra, giá ô tô cổ ở Cuba cũng không hề rẻ. Giá một chiếc ô tô do Liên Xô sản xuất có thể lên tới 10.000 USD, trong khi giá một chiếc xe Mỹ có thể lên tới 30.000 USD hoặc hơn.
Trước năm 2014, người Cuba phải có giấy phép mới được mua ô tô
Vào năm 2014, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Cuba đã dỡ bỏ quy định yêu cầu cá nhân phải xin giấy phép mới được mua ô tô. Nhưng trong khi thu nhập của người dân Cuba còn ở mức thấp, giá ô tô ở nước này có thể cao gấp 4-5 lần so với giá xe ở Mỹ. Chẳng hạn, giá một chiếc Peugeot hatchback ở Cuba có giá 85.000 USD, trong khi giá một chiếc xe tương tự ở Mỹ chỉ khoảng hơn 20.000 USD.
Tuy vậy, ngày càng có nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu ở Cuba có khả năng mua xe sang, như Mercedes, Audi hay BMW. Thi thoảng, trên đường phố ở Havana xuất hiện những chiếc xe như vậy chạy lướt qua những chiếc xe cổ di chuyển chậm chạp.
Xe cổ ở Cuba không có giá trị sưu tập
Ô tô cổ ở Cuba được nhập khẩu vào nước này từ cách đây từ trước cách mạng 1959, đến vẫn giữ được hình dáng ban đầu nói chung dù dịch vụ hậu mãi bằng 0. Từ đó có thể kết luận rằng bạn sẽ không thu được gì nhiều từ việc sưu tập những chiếc xe này. Hầu hết chúng đã được sửa chữa bằng vật liệu sẵn có, không phải là phụ tùng do nhà máy sản xuất. Đó là lý do vì sao bạn có thể thấy những phụ tùng này thường được gắn với nhau bằng băng keo.
Những ô tô Liên Xô không còn có thể sử dụng cũng được tháo dỡ để lấy phụ tùng lắp cho những xe Mỹ còn tốt. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên nếu một chiếc Chevy của thập niên 1950 ở Cuba được trang bị động cơ Liên Xô.
Xe cổ ở Cuba mang màu sắc Cuba hơn là màu sắc Mỹ
Do đã bị thay thế và chỉnh sửa nhiều ở bên trong, có thể nói xe cổ ở Cuba đã trở thành một loại xe riêng, chỉ có ở nước này. Chúng đại diện cho lịch sử của Cuba hơn là mang màu sắc Mỹ - quốc gia sản xuất ra chúng.
Dầu diesel ở Cuba cực hại động cơ
Ngoài sự thiếu thốn phụ tùng và dịch vụ bảo trì như đã nói ở trên, chất lượng dầu diesel ở Cuba cũng là một vấn đề đối với người sở hữu ô tô ở nước này. Giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel ở châu Âu là 350 PPM, nhưng ở Cuba, con số này là khoảng 4.000 PPM. Có thể nhận thấy điều này qua những làn khói đen xả ra từ ống xả ô tô ở Cuba.
Xe Cadillac không còn là Cadillac
Havana tràn ngập những chiếc xe nhập khẩu của thập niên 1950. Những chiếc xe này vẫn có thể chạy nhờ sự sáng tạo của những người thợ cơ khí Cuba với tất cả những vật liệu mà họ có được. Bởi thế, những chiếc xe đã khác xa với nguyên bản của chúng khi xuất xưởng. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều xe Cadillac trên đường phố Havana, nhưng bên trong, chúng hoàn toàn không còn là Cadillac.
Sự tài tình của người Cuba
Hầu hết ô tô ở Cuba đều là xe sản xuất từ thập niên 1930 đến 1950, và việc những chiếc xe này vẫn chạy được là một niềm tự hào của người dân ở đây. Mỗi khi chuyển giao chiếc xe cho một người khác, người chủ xe cũng chuyển giao luôn cả các bí quyết giữ cho chiếc xe có thể vận hành.
Vào năm 1956, có 143.000 ô tô được nhập khẩu vào Cuba
Trước cách mạng Cuba, 70% hàng hóa nhập khẩu vào nước này là từ Mỹ. Năm 1956, có 143.000 ô tô nhập khẩu từ Mỹ vào Cuba, trong đó có 95.000 xe ở Havana.
“Xe limousine Nga” ở Cuba
Cuba có diện tích lớn rừng nhiệt đới và phong cảnh tươi đẹp. Có vẻ như chỉ có loại xe quân sự ZIL do Liên Xô sản xuất là phù hợp với địa hình và khí hậu ở các vùng rừng núi và nông thôn của Cuba. Được người Cuba gọi là “xe limousine” Nga, những chiếc xe này hiện nay được dùng để chở du khách thăm thú các khu rừng Cuba.
Xe Lada rất phổ biến ở Cuba
Không có gì ngạc nhiên khi hàng hóa nhập khẩu từ Nga rất phổ biến ở Cuba, trong đó xe hơi Lada xuất hiện nhiều. Một lượng lớn xe Lada được dùng làm taxi ở đảo quốc này.
Có 4 loại ô tô trên đường phố Cuba
Có thể chia ô tô trên đường phố Cuba thành 4 loại: xe Mỹ cổ nhưng đã bị thay đổi nhiều về máy móc và phụ tùng; xe tải và xe hơi do Nga sản xuất; một số loại xe từ châu Á do Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sản xuất; cùng một số ít ô tô châu Âu.
Yank Tank
Ô tô cổ ở Cuba được người dân nước này gọi chung là “Yank Tank”.
Lý do khiến xe cổ phổ biến ở Cuba
Sau cách mạng 1959, Cuba áp lệnh cấm nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô trong nhiều năm, với hy vọng sẽ phát triển công nghiệp ô tô trong nước. Luật này là một trong những lý do chính khiến ô tô hiện đại rất hiếm ở Cuba. Ngoài ra, khan hiếm ngoại tệ và thu nhập thấp của người dân Cuba cũng là một nguyên nhân.
Cuba từng dẫn đầu thế giới vè tỷ lệ sở hữu ô tô
Vào năm 1919, thị trường ô tô bắt đầu tăng trưởng mạnh ở Cuba và nước này dần trở thành một trong những nước có lượng người sở hữu ô tô lớn nhất và tỷ lệ sở hữu ô tô lớn nhất thế giới. Khi đó, thị trường ô tô Cuba sôi động đến nỗi xe Mỹ thường xuất bản ở thị trường Cuba ngay cả trước khi được bán ở Mỹ.
Chiếc xe hơi đầu tiên ở Cuba
Không lâu sau khi toa xe không có ngựa kéo đầu tiên ra đời, Cuba trở thành một trong những quốc gia đầu tiên được chạy những mẫu ô tô đầu tiên, với tốc độ khoảng hơn 30 km/giờ. Điều này xảy ra vòa năm 1898, và công ty đầu tiên xuất khẩu ô tô sang Cuba là một hãng của Pháp có tên La Parisienne.
Tương lai của “Yank Tank” ở Cuba
Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào quan hệ giữa Cuba với Mỹ. Nếu mối quan hệ này được cải thiện, ô tô hiện đại của Mỹ có thể lại được nhập khẩu nhiều vào Cuba, thay thế cho xe cổ. Nhưng cho dù điều gì xảy ra, những chiếc ô tô cổ nhiều màu sắc vẫn sẽ luôn là một phần không thể tách rời của văn hóa Cuba.