Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/7, giá cổ phiếu hãng xe điện Mỹ tăng gần 3,7%, chốt ở mức gần 1.120 USD/cổ phiếu. Ở mức giá cổ phiếu này, giá trị vốn hóa thị trường của Tesla đạt xấp xỉ 210 tỷ USD, giành vị trí số 1 trong ngành công nghiệp ô tô. Tụt về vị trí thứ hai, vốn hóa của Toyota hiện ở mức khoảng 202 tỷ USD.
Vốn hóa của hãng xe do tỷ phú Elon Musk sáng lập cũng đang dẫn trước một loạt công ty “sừng sỏ” trong chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall, như Coca-Cola, Disney, Cisco, Merck, và Exxon Mobil.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ có 19 doanh nghiệp trong S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - có vốn hóa cao hơn Tesla, trong đó có “đế chế” viễn thông AT&T. Tesla đã lớn hơn cả PayPal - công ty ra đời từ sự hợp nhất của một số công ty thanh toán mà chính ông Musk đồng sáng lập.
Dù vốn hóa lớn, Tesla hiện vẫn chưa được đưa vào chỉ số S&P500 do chưa đáp ứng đủ tiêu chí về lợi nhuận. Tuy nhiên, hãng có thể sớm đạt được tiêu chí này.
Giá cổ phiếu của Tesla đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ đầu năm nay, bất chấp sự sụt giảm doanh số ô tô toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy sự tin tưởng của giới đầu tư vào công ty đang đi đầu trong cuộc cách mạng đưa ngành công nghiệp ô tô dịch chuyển khỏi động cơ đốt trong vốn đã tại suốt 130 năm qua.
Lạc quan của nhà đầu tư về ô tô điện không chỉ tập trung vào Tesla. Giá cổ phiếu hãng xe tải điện Nikola đã tăng mạnh kể từ khi công ty này lên sàn vào tháng 6. Vốn hóa của Nikola hiện đạt gần 25 tỷ USD, lớn hơn cả vốn hóa của hãng xe Ford.
Tuy đã vượt Toyota về vốn hóa, Tesla vẫn còn một chặng đường dài phải đi nếu muốn đạt tới quy mô như hãng xe Nhật. Tesla xuất xưởng 103.000 xe trong quý 1/2020, chỉ bằng khoảng 4% so với sản lượng 2,4 triệu xe của Toyota trong cùng khoảng thời gian. Xe của Toyota đã “phủ sóng” toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ qua nhờ độ tin cậy cao và giá cả phù hợp.
Tesla trở thành hãng xe lớn thứ nhì thế giới về vốn hóa vào tháng 1 năm nay, khi vượt qua Volkswagen. Ở thời điểm hiện tại, vốn hóa của Tesla lớn gấp hơn 2 lần vốn hóa của hãng xe Đức.
Sau khi đi tiên phong trong lĩnh vực xe hybrid với mẫu Prius, Toyota chậm chạp trong việc dịch chuyển sang ô tô chạy điện hoàn toàn. Thay vào đó, hãng đã đặt cược khá nhiều vào xe chạy tế bào nhiên liệu hydro. Hiện nay, Toyota đang rót vốn mạnh vào xe điện và xe không người lái.
Toyota dự báo lợi nhuận của hãng giảm 80% trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, và cho rằng phải đến giữa năm 2020 thị trường ô tô toàn cầu mới có thể hồi phục về mức trước khi xảy ra đại dịch.
Việc Tesla vượt hãng dầu lửa Exxon Mobil vào hôm 30/6 cũng được xem là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào sự dịch chuyển của thị trường năng lượng toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Vốn hóa của Exxon đã tụt về mức khoảng 185 tỷ USD do ảnh hưởng của đợt giảm giá dầu tồi tệ nhất trong lịch sử dưới tác động của Covid-19. Exxon - tập đoàn dầu khí lớn nhất ở bán cầu Tây - đang chuẩn bị cắt giảm một phần nhân sự ở Mỹ, hãng tin Bloomberg cho hay.
Exxon là công ty năng lượng lớn thứ nhì thế giới về vốn hóa kể từ sau khi hãng dầu khí quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia lên sàn chứng khoán vào cuối năm ngoái. Trước đó, Exxon đã duy trì vị trí số 1 về vốn hóa trong ngành năng lượng.
Về phần mình, Saudi Aramco đang là công ty có mức vốn hóa lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, địa vị này cũng đang bị đe dọa bởi hãng công nghệ Mỹ Apple. Cách đây 6 tháng, khi Saudi Aramco mới lên sàn, khoảng cách vốn hóa giữa hãng này với Apple là 750 tỷ USD. Hiện tại, khoảng cách vốn hóa giữa hai bên đã rút ngắn còn 150 tỷ USD.