Trong đó, Mahindra & Manhindara - hãng xe tập trung vào phân khúc giá rẻ tại Ấn Độ - trình làng một mẫu SUV chạy điện có giá chỉ 825.000 Rupee, tương đương 11.600 USD khi đã bao gồm các khoản trợ cấp của Chính phủ.
“Tôi xin giới thiệu với quý vị chiếc xe hơi chạy điện giá rẻ nhất của Ấn Độ”, Giám đốc điều hành Mahindra, ông Pawan Goenka, tuyên bố khi ra mắt chiếc eKUV100. “Người tiêu dùng không còn lý do gì để không sở hữu một chiếc xe chạy điện”.
Auto Expo là kỳ triển lãm ô tô thường niên lớn nhất của Ấn Độ, một trong những thị trường xe lớn nhất thế giới. Triển lãm năm nay diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đẩy mạnh cuộc chiến chống ô nhiễm không khi với tiêu chuẩn khí thải mới chuẩn bị được triển khai nghiêm ngặt ngang với tiêu chuẩn khí thải ở châu Âu.
Để sản xuất được mẫu SUV chạy điện với giá rẻ như vậy, Mahindra sự dụng phần lớn linh kiện trong nước, ông Goenka cho hay. Hệ thống truyền động và nhiều linh kiện chủ chốt khác của mẫu xe được chính Mahindra sản xuất nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Ô tô điện ở Trung Quốc thường có giá 100.000-200.000 Nhân dân tệ, tương đương 14.300-28.600 USD, ngay cả khi đã được hưởng các khoản trợ cấp của Chính phủ.
Mahindra dự kiến sẽ đưa eKUV100 ra thị trường trong tài khóa 2020. Chiếc xe có thể đi được tối đa 150 km cho mỗi lần xạc đầy. Pin xe đầy 80% chỉ sau khoảng 1 giờ xạc. Chiếc SUV này được kỳ vọng sẽ thu hút đối tượng khách hàng là người dân đô thị hoặc các công ty chia sẻ xe.
Việc Mahindra sớm nhảy vào lĩnh vực xe điện ở Ấn Độ cho thấy hãng đang xem xe điện là một đầu tàu tăng trưởng. Chiến lược của hãng bắt đầu bằng việc thâu tóm một công ty khởi nghiệp (startup) xe điện vào năm 2010. Đến nay, hãng đẫ rót hơn 17 tỷ Rupee, tương đương 240 triệu USD, cho hoạt động nghiên cứu và hạ tầng sản xuất xe điện.
Cũng tại Auto Expo, một hãng xe lớn khác của Ấn Độ là Tata Motors trình làng mẫu SUV Nexon chạy điện giá khoảng 1,4 triệu Rupee, đắt hơn gấp rưỡi chiếc eKUV100.
Vào năm 2009, Tata tung ra chiếc ô tô rẻ nhất thế giới Nano với giá chỉ 100.000 Rupee, tương đương khoảng 2.000 USD. Tuy nhiên, trái với mong đợi của hãng, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển của Ấn Độ, không hào hứng với mẫu xe này. Đến nay, Tata chưa chính thức chấm dứt việc sản xuất Nano, nhưng đã không sản xuất hay bán thêm bất kỳ chiếc Nano nào trong thời gian từ tháng 4-12 năm ngoái.
Theo ông Natarajan Chandrasekaran, Chủ tịch Tata Motors, hãng này hiện đã chuyển sang đặt cược vào lĩnh vực xe sạch, coi việc tạo ra “những giải pháp có trách nhiệm và bền vững” như một “ưu tiên quốc gia”.
Với chiến lược này, Tata đang cạnh tranh mạnh với Mahindra về các sản phẩm xe chạy điện. Trước Nexon, Tata đã tung hai mẫu xe điện khác, bao gồm mẫu sedan Tigor. Theo dự kiến, trong vòng 2 năm tới, hãng sẽ giới thiệu thêm ít nhất 4 mẫu xe điện nữa.
Các hãng xe khác của Ấn Độ cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội trên thị trường xe điện. “Giờ là lúc chúng ta cần giải quyết triển để vấn đề môi trường”, ông Kenichi Ayukawa, Chủ tịch của Maruti Suzuki India - hãng xe hiện kiểm soát khoảng một nửa thị trường xe hơi Ấn Độ - phát biểu.
Maruti Suzuki đem đến Auto Show một mẫu xe điện ý tưởng. Hãng đang có kế hoạch đưa xe điện, xe hybrid và xe chạy bằng khí gas vào dòng sản phẩm, dự kiến bán được hơn 1 triệu ô tô thân thiện với môi trường trong 2-3 năm tới.
Trong lúc cuộc đua xe trong lĩnh vực xe điện ở Ấn Độ nóng lên, thị trường ô tô nói chung của nước này vẫn ảm đạm. Năm ngoái, doanh số ô tô ở Ấn Độ giảm 13%, còn 3,81 triệu xe, khiến nước này tụt xuống vị trí thứ 5 trong số những thị trường xe lớn nhất thế giới, sau Đức. Các ngân hàng ở Ấn Độ ngần ngại trong việc cấp vốn tín dụng và người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng do kinh tế giảm tốc là lý do chính dẫn tới sự suy giảm của thị trường xe.
“Thị trường có thể cải thiện trong năm nay, nhưng phục hồi nhanh chóng là điều khó xảy ra”, ông Ayukawa nói.
Hạ tầng là chìa khóa để khuyến khích người tiêu dùng chấp nhận ô tô chạy điện. Một số thành phố lớn như Mumbai có các điểm xạc điện cho xe, nhưng “chưa thể đủ để đáp ứng một lượng lớn xe điện”, ông Ayukawa nhấn mạnh.
Theo Nikkei Asian Review.