Tuy nhiên, Tesla vẫn chưa trở thành một thành viên của S&P 500, chỉ số dành cho các cổ phiếu lớn (blue-chip) niêm yết ở Phố Wall. Lý do ở đây rất đơn giản: Tesla chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về thời gian đạt lợi nhuận.
Sau phiên sụt giá mạnh của cổ phiếu Tesla vào hôm thứ Tư (5/2), giá trị vốn hóa của công ty còn khoảng 132 tỷ USD, dễ dàng nằm trong top 100 công ty có vốn hóa lớn nhất ở Mỹ. Ngoài ra, chưa có một hãng sản xuất ô tô nào của Mỹ đạt mức vốn hóa lớn như Tesla.
Vốn hóa của Tesla ngang với vốn hóa của United Technologies, một thành viên của chỉ số công nghiệp Dow Jones, và lớn hơn nhiều so với vốn hóa của các công ty thành viên Dow Jones khác như tập đoàn công nghiệp General Electric (GE), ngân hàng Goldman Sachs hay hãng thẻ American Express.
Các thành viên của S&P 500 hay Dow Jones đều có thể thua lỗ mà không bị loại khỏi chỉ số. Tuy nhiên, để trở thành một thành viên của S&P 500, một công ty phải chứng tỏ khả năng duy trì lợi nhuận nhất định.
“Tổng kết quả kinh doanh của 4 quý gần nhất và của quý gần nhất phải đạt dương”, quy định của S&P nêu rõ.
Tesla báo lãi trong quý 3 và quý 4/2019, nhưng chưa đạt lợi nhuận cả năm 2019 theo tiêu chuẩn kế toán nghiêm ngặt của S&P. Theo các chuyên gia, Tesla sẽ cần thêm ít nhất 1 hoặc 2 quý có lãi nữa mới đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Trong báo cáo tài chính mới nhất, Tesla dự báo hãng sẽ liên tục có lãi từ giờ trở đi.
Việc S&P có được đưa vào S&P 500 hay không là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, một phần bởi giới đầu tư sử dụng chỉ số này trong chiến lược đầu tư cổ phiếu lớn của họ thông qua việc mua chứng chỉ của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) hoặc quỹ chỉ số (index fund). Nếu đưa vào S&P 500, cổ phiếu Tesla sẽ không khác gì “hổ mọc thêm cánh”.
Các nhà quản lý quỹ chỉ số và ETF dựa trên S&P 500 cần phải duy trì danh mục đầu tư của họ phù hợp với 500 cổ phiếu thành viên hợp thành chỉ số này. Khi một công ty được bổ sung vào chỉ số, cổ phiếu công ty đó sẽ dễ dàng tăng giá bởi các nhà quản lý quỹ sẽ buộc phải mua một lượng lớn cổ phiếu đó.