Kỳ 1: Singapore đã thực hiện giấc mơ xe điện như thế nào?
Kỳ 2: Sau nhiều khổ sở vì xe điện, giấc mơ đã trở lại với người dùng
Singapore đang triển khai hàng loạt các biện pháp thân thiện với xe điện, điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của CEO Tesla Elon Musk cách đây không lâu. Trong một tweet vào tháng 5 năm 2018, Elon Musk chỉ trích Chính phủ Singapore không ủng hộ xe điện. Và vào tháng 1 năm 2019, ông cho biết đất nước "không chào đón" gã khổng lồ ô tô điện.
Ông Masagos Zulkifli, khi đó là Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên nước, đã phản hồi nổi tiếng trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin quốc tế Bloomberg vào tháng 8 năm 2019, nói rằng xe điện của Tesla chỉ là “phong cách sống”, không phải vì khí hậu.
“Chúng tôi không quan tâm đến lối sống. Chúng tôi quan tâm đến các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề khí hậu”, ông Masagos nói khi đó và chỉ ra rằng rất khó để phát triển đủ các trạm sạc với 85% dân số Singapore sống trong các căn hộ.
“Chỉ cần chọn chỗ đậu xe là đã có vấn đề. Và bây giờ bạn muốn nói ai sẽ nhận được điểm sạc đây”, ông Masagos, hiện là Bộ trưởng Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội, cho biết thêm.
Bộ trưởng cũng nói rằng công nghệ pin nhiên liệu hydro là giải pháp lâu dài tốt hơn so với xe điện, một phần do lượng khí thải carbon khi các nhà máy khai thác kim loại cần thiết để sản xuất pin ô tô, phần nữa là các vấn đề liên quan đến việc thải bỏ pin xe điện.
Trước đó vào năm 2016, một sự cố nổi tiếng khác liên quan đến xe điện đã xảy ra tại Singapore, khi một chiếc sedan Tesla Model S đã qua sử dụng phải trả khoản phụ phí carbon 15.000 đô la Singapore.
Để biện minh cho mức thuế đối với chiếc sedan Tesla Model S lúc đó, Cơ quan Giao thông Vận tải Đường bộ (LTA) khi đó đã chỉ ra rằng xe điện “không phải là không phát thải carbon”. Joe Nguyễn, người sở hữu mẫu xe Model S ở trên, cay đắng nói rằng đó là “chiếc xe điện duy nhất trên thế giới bị phạt vì phát thải”.
Cơ quan Giao thông Vận tải Đường bộ (LTA) Singapore nói thêm: “Xe điện có thể không tạo ra khí thải từ ống xả như ô tô thông thường, nhưng chúng lấy năng lượng điện từ lưới điện quốc gia để đốt nhiên liệu và sản xuất năng lượng điện cho xe, khí thải carbon xuất hiện trong quá trình này”.
Những mâu thuẫn này khiến các mẫu xe điện ế ẩm mãi tại các đại lý xe hơi, cơ sở hạ tầng sạc cũng thiếu thốn và không được xây dựng. Người mua xe điện quan tâm phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế vì họ không thấy có đủ bộ sạc hoặc mẫu xe để lựa chọn.
Các hãng xe sẵn sàng khai tác mọi tiềm năng để giảm khí thải
Trong khi nhiều người hoan nghênh những động thái mới nhất trong lĩnh vực xe điện, thì một đại diện từ Tan Chong Motor Sales, nhà phân phối chính thức cho Nissan tại Singapore, cho rằng Chính phủ vẫn phải làm nhiều hơn nữa để có được động lực phát triển.
Ông Ron Lim, trưởng bộ phận bán hàng và tiếp thị của Tan Chong, cho biết các tiêu chí mua sắm của Chính phủ vẫn chưa đủ ưu tiên cho các phương tiện sử dụng năng lượng sạch hơn, mặc dù đã đặt mục tiêu đến năm 2030 loại bỏ các phương tiện ICE thuần túy.
“Nếu Chính phủ có thể đi đầu và nêu gương, thì niềm tin của công chúng đối với xe hybrid và xe điện sẽ ngày càng tăng”, ông nói.
Tính đến cuối tháng 1, số lượng xe điện lưu thông tại Singapore là 1.274 chiếc, tương đương 0,2% trong số 636.483 tổng lượng xe hơi trên đường phố.
Claudius Steinhoff, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz Singapore, nhắc lại rằng các nhà sản xuất ô tô sẽ khám phá mọi khả năng nhằm giảm lượng khí thải một cách nhanh chóng và bền vững - song song với sự phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ phát triển các giải pháp hệ thống truyền động và động cơ mới này.
“Chiến lược toàn nhóm của Mercedes-Benz bao gồm ba chặng đường song song trên con đường hướng tới xe điện không phát thải, từ động cơ đốt trong 48V điện khí hóa đến hybrid plug-in và các mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện với pin và tế bào nhiên liệu”, ông nói.