Ngày 19/3, Tesla tuyên bố sẽ ngừng sản xuất tại nhà máy ở Fremont, bang California để ngăn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, nhà máy pin mặt trời của Tesla ở Buffalo, bang New York, cũng đóng cửa.
Trước đó, Tesla vẫn duy trì hoạt động nhà máy ở Fremont, bất chấp lệnh phong tỏa của nhà chức trách. Theo quyết định mới nhất, nhà máy này sẽ tạm ngừng sau ngày 23/3.
Trước Tesla, các hãng ô tô khác - gồm “tam đại gia” công nghiệp xe Mỹ là General Motors (GM), Ford và Fiat Chrysler, cùng các hãng xe nước ngoài như BMW và Toyota - đã đồng loạt đóng cửa gần như tất cả nhà máy ở khu vực Bắc Mỹ vì nỗi lo dịch bệnh lan rộng.
Tesla nói rằng tình hình cho thấy việc tiếp tục sản xuất ô tô vào thời điểm này là rất khó khăn.
“Dù chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp an toàn y tế có thể, việc tiếp tục sản xuất ở một số địa điểm đã đặt ra thách thức cho nhân viên của hãng, gia đình họ, và các nhà cung cấp của chúng tôi”, Tesla nói trong một tuyên bố ra ngày 19/3.
Vào hôm 18/3, chỉ có 2.500 người trong số 10.000 công nhân viên của Tesla ở nhà máy Fremont còn tới công ty làm việc.
Trước mắt, các nhà máy khác của Tesla vẫn tiếp tục hoạt động, bao gồm nhà máy Gigafactory ở Nevada - một cơ sở chuyển sản xuất pin. Ngoài ra, các nhân viên Tesla làm nhiệm vụ bảo trì mạng lưới điểm xạc pin xe cũng vẫn làm việc bình thường.
Trước khi đi đến quyết định đóng cửa hai nhà máy, Tesla lập luận rằng các nhà máy của hãng là “cơ sở kinh doanh quan trọng” nên phải được duy trì hoạt động trong thời gian phong tỏa. Sau khi đưa ra tuyên bố đóng cửa, Tesla vẫn “cứng đầu” nói thêm rằng hãng đã “tôn trọng chỉ đạo của Chính phủ liên bang” trong những ngày trước đó.
Tổng giám đốc (CEO) Elon Musk của Tesla đã đối mặt nhiều lời chỉ trích vì những bình luận của ông liên quan đến đại dịch Covid-19. Hôm 6/3, ông viết trên mạng xã hội Twitter rằng “sự hoảng loạn” vì trận dịch này là “ngớ ngẩn”.
Trước sức ép từ lượng người theo dõi (follower) lớn trên Twitter, ông Musk gần đây tuyên bố Tesla có thể chuyển sang sản xuất máy thở cho các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch nếu xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thiết bị y tế này.
Sau khi tuyên bố đóng cửa nhà máy được đưa ra, cổ phiếu Tesla có lúc giảm gần 10% trong phiên ngoài giờ. Trong phiên chính ngày 19/3, cổ phiếu này tăng 18,4%, lấy lại một phần mất mát trong đợt giảm 44% kéo dài 4 phiên trước đó.
Tháng trước, Tesla đã tranh thủ đà tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ khi đó để huy động 2,3 tỷ USD thông qua phát hành thêm cổ phiếu. Số vốn này cộng thêm lượng tiền mặt 6,3 tỷ USD mà Tesla có trong tay ở thời điểm cuối 2019 “đủ để đưa công ty vượt qua một giai đoạn bấp bênh kéo dài”, công ty tuyên bố.
Theo nhà phân tích Dan Levy thuộc Credit Suisse, Tesla có thể “đốt” tới 300 triệu USD tiền mặt mỗi tuần nếu việc sản xuất bị dừng. Ông Levy cũng khuyến nghị bán cổ phiếu Tesla.
Trong khi đó, nhà quản lý quỹ Gene Munster thuộc Loup Ventures cho rằng Tesla sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này. “Đóng cửa nhà máy là điều đúng đắn. Lẽ ra họ nên làm việc này sớm hơn. Nhưng Tesla sẽ vượt qua được thôi”, ông Munster nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg.
Dù tạm dừng hai nhà máy, ông Musk tiếp tục đăng lên Twitter những dòng trạng thái “xem thường” mức độ nghiêm trọng của đại dịch Corona. Trên phạm vi toàn cầu, số ca nhiễm đã vượt 230.000 và số người thiệt mạng đã vượt 9.600.
Nhiều người theo dõi ông Musk tỏ ra bất bình về điều này. “Ông phải dừng ngay sự ngu ngốc của mình. Đây là một thảm họa lớn, hãy hỏi các bác sỹ mà xem”, ông Raja Abbas, Giám đốc một công ty tâm thần học ở Pennsylvania, gửi lời nhắn nhủ đến ông Musk.