Ô tô điện Trung Quốc lung lay trong “bão” Covid-19

Phương Vy

Cách đây 2 tháng, Chủ tịch startup xe điện Trung Quốc Xpeng còn tỏ ra lạc quan về tiến trình dịch chuyển của nước này khỏi động cơ chạy nhiên liệu hóa thạch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi đó, ông He Xiaopeng nói rằng Tesla giúp kích thích sự hưng phấn của người tiêu dùng Trung Quốc đối với ô tô điện khi đưa nhà máy ở Thượng Hải vào hoạt động. Cũng theo ông He, việc Chính phủ Trung Quốc cắt giảm trợ cấp xe điện cũng làm dịu bớt mức độ cạnh tranh thông qua loại bỏ những hãng xe yếu nhất.

Tại trụ sở Xpeng ở Quảng Châu, ông He nói với tờ Financial Times rằng 2021 sẽ là năm “bước ngoặt” về mức độ thịnh hành của ô tô chạy điện.

Tuy nhiên, đại dịch Corona đang đe dọa triển vọng của ngành xe điện ở Trung Quốc.

Ông He nói ông vẫn “lạc quan thận trọng”, nhưng giới phân tích cảnh báo rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của trận dịch có thể sẽ làm lợi cho ô tô động cơ đốt trong hơn là ô tô điện.

Thúc đẩy sự phát triển của các hãng ô tô điện trong nước theo hướng đi của Tesla là trọng tâm trong chiến lược đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm chiếm vị thế đi đầu trong cuộc dịch chuyển toàn cầu từ ô tô chạy xăng, dầu sang ô tô chạy điện. Doanh số xe điện tăng mạnh và các khoản trợ cấp hào phóng của Chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây đã thu hút một làn sóng đầu tư vào các startup xe điện như Xpeng - công ty có sự hậu thuẫn của “đế chế” thương mại điện tử Alibaba.

Nhưng dịch Corona đã khiến tương lai của nhiều hãng xe điện Trung Quốc trở nên bấp bênh, nhất là khi giá dầu giảm sâu khiến việc mua xe điện thay cho xe động cơ đốt trong trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng Trung Quốc vốn nhạy cảm với giá cả.

“Trận dịch này là một bài kiểm tra thực sự về năng lực cốt lõi của mỗi công ty, cũng như khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường mới”, ông He nói. “Những hãng yếu kém sẽ có mức độ dễ tổn thương lớn hơn”.

Một mẫu xe điện của hãng Nio - Ảnh: Nikkei.
Một mẫu xe điện của hãng Nio - Ảnh: Nikkei.

Sau mấy năm được rót vốn ồ ạt, các startup xe điện Trung Quốc đang đối mặt với hồi kết của làn sóng đầu tư mạo hiểm. Nhu cầu ô tô nói chung tại nước này, bao gồm xe điện, cũng đang trượt dài theo sự giảm tốc của nền kinh tế. Giờ đây, dịch Covid-19 còn gây ra tình trạng khan hiếm linh kiện và khiến nhu cầu của người tiêu dùng giảm sâu hơn.

Đối với một số hãng xe, sự kết hợp của những yếu tố này có thể chính là công thức cho một vụ phá sản.

Nio, hãng xe điện được mệnh danh là “Tesla Trung Quốc” và có cổ phiếu niêm yết ở New York, gần đây lâm cảnh cạn kiệt vốn, buộc phải cắt giảm nhân viên và bán bớt một số mảng kinh doanh. May thay, vào tháng trước, Nio được chính quyền thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, rót 1,4 tỷ USD. Đổi lấy gói cứu trợ này, Nio chấp nhận chuyển trụ sở từ Thượng Hải về Hợp Phì.

Nio tạm thời thoát hiểm, nhưng nhà phân tích Jeff Chung thuộc Citibank cho rằng “phao cứu sinh” từ Hợp Phì cũng đồng nghĩa hãng xe điện này sẽ đối mặt với áp lực thậm chí còn lớn hơn trước nếu không cải thiện được doanh số.

“Đối với nhiều trong số những startup xe điện vốn đã yếu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng kết hợp với doanh số sụt giảm có thể chính là ‘cú đấm knock-out’”, ông Tu Le, nhà sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, nhận định.

Ở thời điểm hiện tại, mọi hy vọng về sự phục hồi của thị trường ô tô Trung Quốc trong năm 2020 hầu như đã bị dập tắt. Các tổ chức dự báo đề tin rằng virus Corona sẽ khiến doanh số ô tô tại nước này giảm trong năm nay, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp.

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), trong tháng 1, doanh số ô tô tại nước này giảm 18,7%, trong doanh số xe điện giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (PCA), doanh số ô tô tại nước này trong tháng 2 giảm kỷ lục 80%.

Hầu hết các hãng xe tại Trung Quốc đã nối lại hoạt động sản xuất bị tạm ngừng ở giai đoạn cao điểm của dịch Corona ở nước này. Nhưng ảnh hưởng sẽ không sớm được khắc phục trong một sớm một chiều.

Tesla đã mở cửa trở lại nhà máy ở Thượng Hải vào hôm 10/2, sớm hơn so với nhiều đối thủ. Nhưng trong tuần trước, nhiều khách hàng mua xe Model 3 do nhà máy này sản xuất phàn nàn rằng xe được trang bị phần cứng lái tự động Autopilot lỗi thời so với những gì mà Tesla hứa hẹn. Tesla giải thích rằng do thiếu nguồn cung linh kiện, hãng buộc phải sử dụng phần cứng cũ hơn.

Ông He xem thành công của Tesla ở Trung Quốc là nhân tố có ý nghĩa quan trọng đối với các startup xe điện của nước này, bởi điều đó sẽ chứng minh với người tiêu dùng rằng các nhà sản xuất xe điện hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đề ra. “Chỉ khi thị trường chung có giá trị lớn hơn thì chúng tôi mới có giá trị lớn hơn được”, ông He nói.

Diễn biến doanh số ô tô điện ở Trung Quốc qua các tháng từ năm 2015 đến nay. Đơn vị: nghìn xe - Nguồn: Financial Times.
Diễn biến doanh số ô tô điện ở Trung Quốc qua các tháng từ năm 2015 đến nay. Đơn vị: nghìn xe - Nguồn: Financial Times.

Các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ vẫn là điều kiện cốt lõi cho sự sống còn của nhiều hãng xe điện Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc phát tín hiệu về một đợt hỗ trợ mới cho ô tô điện, một số nhà phân tích lại cho rằng chính quyền các địa phương nước này có thể sẽ đứng về phía thị trường ô tô truyền thống bởi đây vẫn là thị trường có quy mô và ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế.

“Chính phủ Trung Quốc cần tăng doanh số ô tô bởi thị trường này là một phần quan trọng của nền kinh tế”, ông Le nói. “Nếu họ tập trung quá nhiều vào ô tô điện, họ có thể sẽ bỏ lỡ việc đưa toàn ngành ô tô khỏi suy thoái”.

Khi Chính phủ cắt giảm trợ cấp, trong ngành xe điện Trung Quốc đã co cụm đáng kể. Đối với những hãng như Nio, Xpeng và WM Motor, điều này thực sự là “trong cái rủi có cái may”, bởi mức độ cạnh tranh mà họ phải đương đầu hạ xuống.

Mặc dù vậy, việc huy động vốn đang ngày càng khó khăn hơn, bởi giới đầu tư trở nên “kén cá chọn canh” trong việc quyết định sẽ rót vốn cho hãng xe điện nào. Giám đốc chiến lược Rupert Mitchell của WM Motor tin rằng xu hướng này sẽ ngày càng gia tăng.

Tuần trước, WM - startup xe điện có sự hậu thuẫn của công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Baidu - xác nhận đã hủy kế hoạch thưởng hàng năm cho nhân viên và hoãn việc trả lương tháng 13 năm 2019 đến tận tháng 6, do công ty không đạt mục tiêu doanh số.

Theo Financial Times

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.