Những ngày qua, khi số ca nhiễm Covid-19 vượt con số 100.000 trên phạm vi toàn cầu và tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia, giới phân tích mạnh tay cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ ô tô.
Hãng nghiên cứu thị trường LMC Automotive cho rằng chỉ có 16,5 triệu ô tô mới được bán tại Mỹ trong năm 2020, giảm 300.000 xe so với lần dự báo trước. Đây sẽ là mức doanh số thấp nhất của thị trường ô tô Mỹ kể từ năm 2014.
Ngoài ra, LMC cũng cắt giảm 3,5 triệu xe trong dự báo doanh số ô tô toàn cầu so với lần dự báo trước. Trong đó, một nửa lượng doanh số bị cắt giảm này được cho sẽ nằm ở thị trường Trung Quốc.
“Đó là đánh giá đầu tiên mà chúng tôi đưa ra sau khi mô hình hóa những gì mà chúng tôi đang chứng kiến” tại các thị trường chủ chốt - ông Jeff Schuster, Phó chủ tịch phụ trách dự báo của LMC, phát biểu. “Mọi chuyện hoàn toàn có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều”.
Bắt nguồn từ Trung Quốc, dịch Covid-19 đang có nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu và có thể “cuốn phăng” 2,7 nghìn tỷ USD tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới. Chính phủ nhiều quốc gia đang phải triển khai các biện pháp quyết liệt để chống dịch. Italy đã ban lệnhphong tỏa toàn quốc, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang soạn thảo các biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế của trận dịch.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/3), thị trường chứng khoán Mỹ có thời điểm bị tạm ngừng giao dịch vì mức giảm trên 7% trong vòng chỉ vài phút sau khi thị trường mở cửa. Chỉ số S&P 500 hiện đã giảm khoảng 19% so với mức đỉnh mọi thời đại thiết lập hôm 19/2, đe dọa chấm dứt thời kỳ thị trường giá lên (bull market) kéo dài kỷ lục suốt 11 năm qua. Sự lây lan của virus cũng đặt ra nguy cơ kinh tế Mỹ và châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật trong nửa đầu năm nay.
“Mối lo sợ thực sự vào lúc này là nhu cầu tại thị trường Mỹ có thể bị siết lại”, chuyên gia Kristin Dziczek thuộc Center for Automotive Research, một tổ chức nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô, phát biểu. “Liệu người tiêu dùng có tiếp tục mua xe không, hay họ lo sợ một cú sốc về thu nhập”.
Trong số ít những cổ phiếu ô tô tăng giá ở Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 9/3, có cổ phiếu của O’Reilly Automotive Inc. và AutoZone Inc., hai hãng bán lẻ phụ tùng thay thế. Giới đầu tư có vẻ tin rằng nhu cầu phụ tùng ô tô sẽ tăng lên nếu người tiêu dùng trì hoãn việc sắm xe mới.
Theo dữ liệu của Cox Automotive, doanh số thị trường ô tô Mỹ trong vòng 1 năm tính đến tháng 2 vừa qua là 16,8 triệu xe, cao hơn mức dự báo 16,6 triệu xe. Tuy nhiên, theo nhận định của Cox, “bài kiểm tra” thực sự sẽ diễn ra vào tháng 3, khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh và virus corona “bắt đầu có ảnh hưởng đến thị trường ô tô”.
Một số nhà sản xuất linh kiện ô tô hàng đầu thế giới đã bắt đầu phát tín hiệu về thách thức phía trước đối với ngành công nghiệp này. Hãng linh kiện ô tô Đức Continental AG vào tuần trước giảm mạnh dự báo lợi nhuận cả năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Aptiv, một nhà cung cấp lớn về phần mềm và dây điện ô tô, cũng cắt giảm dự báo lợi nhuận quý 1 vì lý do tương tự.
Ở thời điểm hiện tại, các hãng xe đang cố gắng duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất, trong bối cảnh nỗi sợ dịch bệnh gây gián đoạn nguồn cung linh kiện. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng tiếp tục vắng bóng tại các đại lý xe - có thể vì lo sợ lây nhiễm virus hoặc vì lý do tài chính - ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành ô tô sẽ càng lớn và kéo dài hơn.
“Nhu cầu tiêu thụ ô tô có thể sụt giảm một cách chóng mặt, như những gì đã diễn ra ở Trung Quốc”, ông Michael Dunne, Giám đốc công ty tư vấn ZoZo Go, nhận định. Trong tháng 2, doanh số ô tô tại Trung Quốc, thị trường xe lớn nhất thế giới, giảm kỷ lục 80%. “Mọi người sẽ không nghĩ đến việc mua sắm những vật dụng lớn nữa”.
Tuần trước, ông Alex Calderone, Giám đốc công ty tư vấn Calderone Advisory, đã thảo luận kỹ lưỡng với khách hàng là các nhà cung cấp trong ngành ô tô về rủi ro gián đoạn sản xuất do tình trạng thiếu linh kiện từ Trung Quốc. Sau các cuộc thảo luận này, ông Calderone cảm thấy không lo nhiều về rủi ro chuỗi cung ứng như lo về cú sốc tâm lý mà dịch Covid-19 có thể gây ra với người tiêu dùng.
“Sẽ có một cú sốc tâm lý gây rúng động ngành công nghiệp ô tô. Cú sốc đó sẽ đến từ thay đổi trong tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng, cũng như các khuynh hướng chi tiêu”, vị chuyên gia nói. “Các biện pháp cách ly xã hội chính là điều có khả năng gây ra nguy hiểm lớn nhất cho nền kinh tế”.