Dịch bệnh COVID-19 đang khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải đóng cửa một số nhà máy. Tình trạng đóng cửa có thể kéo dài do bị gián đoạn nguồn cung linh kiện, phụ tùng ô tô từ Trung Quốc và doanh số sụt giảm đang diễn ra. Theo các nhà phân tích, các hãng xe có thể phải thay đổi sản xuất trong những tháng tới.
Hiện tại, tình trạng giao hàng một số mẫu xe của các nhà sản xuất ô tô đang bị chậm trễ do các dây chuyền sản xuất mất nhiều thời gian khởi động sau khi bị tạm đóng cửa.
Lo sợ virus Corona cũng khiến người mua xe không dám đến các showroom. Doanh số bán hàng chậm chạp đang khiến các nhà sản xuất thêm đau đầu. Và do triển vọng trong thời gian tới vẫn chưa có gì cải thiện rõ rệt, do tính chất bấp bênh của bệnh dịch, nên các cổ đông cũng bắt đầu nhận thấy tình trạng u ám.
Theo báo Kyodo News của Nhật Bản, virus COVID-19 đang khiến các nhà sản xuất ô tô chịu thảm họa kép. Doanh số những tháng gần đây vốn đã thấp do thuế tiêu dùng tăng cao từ tháng 10 năm ngoái, và hậu quả của những cơn bão, lũ lớn liên tục xảy ra vào mùa thu.
Tatsuo Yoshida, nhà phân tích ô tô cao cấp của Bloomberg Intelligence, một tổ chức nghiên cứu, cho biết: "Không giống như các trận động đất và bão lớn, khó khăn trong việc đối phó với virus Corona chủng mới là chúng ta không biết khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt, khiến các kế hoạch sản xuất và bán hàng rơi vào tình trạng hỗn loạn".
"Nhiều nhà sản xuất ô tô đã phải đối mặt với tình trạng gián đoạn trong nguồn cung phụ tùng, linh kiện hồi tháng 3/2011, do hậu quả trận động đất và sóng thần lúc đó. Họ thực hiện các kế hoạch dự phòng và các biện pháp khác kể từ đó, nhưng bản chất nguy hiểm của COVID-19 lại khác”, Yoshida nói.
Doanh số bán xe mới ở Nhật Bản, bao gồm cả xe tải và xe buýt, đã giảm 10,3% trong tháng 2 so với năm ngoái xuống còn 430.185 chiếc. Đây là mức giảm hàng tháng hai chữ số liên tiếp trong tháng thứ năm, một phần do sự lây lan của virus gây viêm phổi khiến người mua xe tránh xa các showroom.
Koichi Sugimoto, nhà phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, cho biết doanh số bán xe mới trong tháng 3 có thể giảm khoảng 30% và chỉ 10% trong tháng 4, do các đại lý đang hạn chế các hoạt động tiếp thị trong thời điểm khách hàng hoãn kế hoạch mua xe mới.
"Các hoạt động bán hàng vẫn còn lâu mới trở lại bình thường và tình trạng này có thể tiếp tục ngay cả sau tháng 5", Sugimoto nói.
Vào tháng Một, dữ liệu cho thấy doanh số giảm 11,7%. Lúc đó, Hiệp hội đại lý ô tô Nhật Bản đã kỳ vọng các con số sẽ tăng lên trong tháng Hai khi Toyota và Honda, hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại Nhật Bản, ra mắt các mẫu xe mới Yaria và Fit.
Tuy vậy, thời hạn giao hàng tại Nhật Bản của một số xe ô tô, bao gồm cả Fit mới, đã bị bỏ lỡ do nhập khẩu phụ tùng từ Trung Quốc bị gián đoạn, theo Kazuo Kato, chủ tịch của JADA.
"Chúng tôi từng kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại vào tháng Một sau quãng thời gian giảm sút vì tăng thuế tiêu thụ, nhưng doanh số vẫn còn èo uột cho đến tháng Hai", Koya Miyamae, chuyên gia kinh tế cao cấp của SMBC Nikko Securities Inc, nói.
Miyamae cho biết ông dự kiến doanh số bán xe mới sẽ bắt đầu hồi phục vào tháng 2, nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy sự phục hồi rất chậm.
Trong báo cáo thu nhập hàng quý vào đầu tháng 2, Toyota đã đưa ra dự báo lạc quan cho năm kinh doanh kết thúc vào tháng 3, nâng ước tính doanh số bán hàng trong năm lên 30.000 đến 10,73 triệu xe. Tuy nhiên, triển vọng không tính đến đến sự bùng phát của coronavirus.
Nissan Motor Co. đã tạm thời đình chỉ sản xuất tại các nhà máy của mình ở quận Tochigi và Fukuoka, nói rằng các phụ tùng cần thiết chưa được vận chuyển từ cảng ở Trung Quốc.
Honda Motor sẽ giảm sản lượng xe tại hai trong số các nhà máy nội địa của họ ở tỉnh Saitama trong một tuần hoặc lâu hơn trong tháng 3 do lo ngại nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc, các nguồn tin thân cận cho biết.
Honda đã duy trì mức sản xuất của mình bằng cách tăng sản lượng của các mẫu xe mà công ty có đủ phụ tùng trong kho.
Suzuki Motor Co. và Mazda Motor Corp cũng gặp khó khăn trong việc mua sắm các linh kiện từ Trung Quốc và đã trì hoãn sản xuất một số mẫu xe.
"Tình trạng gián đoạn hiện nay trong sản xuất và hậu cần ở Trung Quốc do virus Corona chỉ là khởi đầu", tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, Sugimoto của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley cho biết. Vẫn còn quá sớm để nói khi nào và làm thế nào cuộc khủng hoảng có thể được ngăn chặn.
Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp lớn của Nhật Bản, sử dụng 5,46 triệu nhân lực trong nước, chính phủ Nhật đang lo lắng về sự cố chuỗi cung ứng nhưng chưa có biện pháp khắc phục ngay lập tức.
Futoshi Kono, người đứng đầu bộ phận ô tô tại Bộ Kinh tế, Thương mại cho biết: "Nngành công nghiệp ô tô rất nhiều nhà cung cấp, do đó rất khó phát hiện và giải quyết các nút thắt, và vấn đề cũng khác nhau đối với mỗi nhà sản xuất ô tô".
"Nhưng chúng tôi muốn phối hợp chặt chẽ với các hãng ô tô Nhật Bản và các nhà cung cấp khi tình huống đột ngột trở nên xấu hơn”, ông nói.