Tuần qua, tại Thủ đô Washington, Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ - NHTSA đã lên tiếng nhắc nhở hãng xe điện Tesla của nước này nên tiến hành triệu hồi 2.000 phương tiện đã xuất xưởng, thay vì chỉ phát hành bản cập nhật phần mềm, để khắc phục các lỗi có thể gây ra cháy nổ pin.
Hiện tại, tập đoàn công nghệ Tesla, dẫn đầu bởi tỷ phú "Iron man phiên bản đời thực" Elon Musk, cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện tụng liên quan tới việc cập nhật phần mềm, gây ra các vấn đề về sạc pin. Trong tuần này, hãng xe điện số một nước Mỹ cũng đang vô cùng đau đầu khi đồng thời phải chứng kiến hàng loạt vụ va chạm trong bãi đỗ xe, khi người dùng xe Tesla sử dụng chế độ hỗ trợ tự động đỗ xe.
Hồi tháng năm vừa rồi, Tesla đã cho phát hành các bản cập nhật phần mềm, liên quan tới quản lý pin. Hãng này tuyên bố, bản cập nhật này có thể giúp xe chạy thêm được 25 dặm trong một lần sạc đầy pin. Tuy nhiên, sau đó đã có rất nhiều người dùng khiếu nại lên NHTSA về các vấn đề mà họ gặp phải, sau khi cài đặt bản cập nhật.
Theo đó, NHTSA đã tiến hành khảo sát trên 2.000 chiếc Tesla, thuộc hai mẫu xe Model S and Model X phiên bản từ 2012 đến 2019. Qua theo dõi, NHTSA kết luận bản cập nhật có thể gây ra một số vấn đề về điện, dẫn tới nguy cơ gây ra cháy nổ pin, kể cả khi xe không xảy ra va chạm.
Số tài liệu khảo sát trên cũng đã được NHTSA chuyển giao cho phía Tesla nghiên cứu. Đồng thời, NHTSA cũng khuyến cáo Tesla nên cho triệu hồi số xe bị lỗi, thay vì chỉ phát hành bản cập nhật phần mềm quản lý pin. Số lượng xe cụ thể có thể vượt xa mức 2.000 xe được NHTSA khảo sát. Đáp lại, hãng xe điện Tesla vẫn đang im lặng, chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào. Tuy nhiên, ngay lập tức, thông tin này đã làm giá trị chứng khoán của hãng tụt giảm 0,7%, tụt về mức 231.43 USD một cổ phiếu vào chiều thứ sáu vừa rồi, trước khi đóng cửa sàn giao dịch.
Trước đó, vào hồi tháng 8, Tesla cũng đã bị đâm đơn kiện tập thể từ nhiều người dùng, vì họ cho rằng hãng này đã biết pin bị lỗi ảnh hưởng tới hoạt động và hiệu suất của xe, nhưng vẫn cố tình không sửa chữa, thay thế pin, mà chỉ tiến hành cập nhật lại phần mềm cho khách hàng. Sau khi cập nhật, thời gian sạc đầy pin cho xe bị lâu hơn bình thường. Và công chúng cũng đã ghi nhận hàng chục vụ cháy nổ pin xe điện Tesla trong suốt 6 năm vừa qua.
Đáp lại, đại diện Tesla thì cho rằng các bản cập nhật phần mềm dành cho các mẫu xe đời cũ chỉ hạ thấp giới hạn chạy của xe, nhằm tăng tuổi thọ pin, chứ không phải che giấu lỗi của nhà sản xuất. Sau khi ghi nhận những lỗi người dùng phản ánh, hãng sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát hành các bản cập nhật cho xe.