Theo số liệu được Tesla công bố ngày 2/4 sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức, hãng xe điện này giao hàng được 88.400 xe trên toàn cầu trong 3 tháng đầu năm. Dù giảm 21% so với mức kỷ lục thiết lập vào quý 4/2019, lượng giao hàng quý 1 của Tesla vẫn cao hơn nhiều so với mức dự báo 78.100 xe mà giới phân tích đưa ra.
Trong đó, số xe Model 3 và Model Y được Tesla giao cho khách trong kỳ báo cáo là 76.200 xe. Số xe Model S và Model X được giao là 12.200 xe.
“Tôi bị sốc vì họ làm quá tốt”, nhà quản lý quỹ Gene Munster thuộc Loup Ventures nhận định với hãng tin Bloomberg. “Tôi không biết họ làm thế nào mà đạt được kết quả như vậy. Họ có tất cả mọi lý do để đưa ra một con số xấu”.
Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) Elon Musk của Tesla đã nỗ lực hết sức có thể nhằm cứu doanh số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Tháng trước, hãng triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc để vừa thúc đẩy doanh số, vừa tránh sự lây lan của dịch bệnh.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe giao hàng quý 1 năm nay của Tesla tăng khoảng 40%. Nhưng điều này không hoàn toàn nằm ngoài dự báo của các nhà phân tích. Một phần kết quả có được là nhờ Tesla bắt đầu giao hàng mẫu xe mới Model Y và mở một nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc.
Mẫu SUV Model Y bắt đầu được Tesla giao cho khách hàng từ giữa tháng 3. Ông Musk từng dự báo đây sẽ là một mẫu xe đắt khách, có khả năng vượt qua tổng doanh số của 3 mẫu xe còn lại gồm Model 3, S, và X.
Tesla không công bố số liệu về lượng xe sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải, nhưng cho biết tổng sản lượng xe của hãng trong quý là 102.672 xe. Trong đó có 15.390 xe Model S và Model X, cùng 87.282 xe Model 3 và Model Y.
Giá cổ phiếu của Tesla có lúc tăng 17% trong phiên giao dịch ngoài giờ tại New York, một dấu hiệu cho thấy sự hưng phấn của giới đầu tư trước lượng xe giao hàng ấn tượng.
Trong phiên giao dịch chính thức ngày 2/4, cổ phiếu này giảm 5,6%, còn 454,5 USD/cổ phiếu. Nếu so với mức kỷ lục 917 USD/cổ phiếu thiết lập hôm 19/2, giá cổ phiếu Tesla hiện đã giảm quá nửa, chung xu hướng sụt giảm chóng mặt nói chung của thị trường chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cũng giống như các hãng sản xuất ô tô khác, Tesla sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái, người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao, cắt giảm những khoản chi tiêu lớn như mua ô tô mới. Phong trào cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến doanh số ô tô lao dốc.
Đầu năm nay, nhà máy Tesla ở Thượng Hải có thời điểm phải tạm dừng hoạt động vì sự lan rộng của virus Corona chủng mới. Tiếp đó, nhà máy của Tesla ở Fremont, California, Mỹ, phải dừng sản xuất từ ngày 23/3 và chưa rõ đến khi nào mới mở cửa trở lại.
So với sản lượng xe, số xe mà Tesla giao hàng trong quý 1 ít hơn 14.000 xe. Điều này đồng nghĩa với việc lượng hàng tồn kho của hãng tăng lên.
“
Lượng xe giao hàng của Tesla qua các quý. Đơn vị: nghìn xe - Nguồn: Tesla/Bloomberg.
Tôi xem kết quả giao hàng này là một thắng lợi nhỏ của Tesla vào một thời điểm đen tối”, nhà phân tích Dan Ives thuộc Wedbush Securities nhận định. “Vấn đề lớn là lượng tiền mặt mà Tesla có thể phải ‘đốt’ trong quý 2 năm nay, xét tới môi trường bất lợi chưa từng có tiền lệ hiện nay”.
Hồi đầu năm nay, Tesla dự báo sẽ giao hàng được ít nhất 500.000 xe trong năm nay. Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, với số người nhiễm trên phạm vi toàn cầu đã vượt qua ngưỡng 1 triệu, Tesla hiện vẫn chưa có bất kỳ sự điều chỉnh nào về lượng xe mà hãng dự kiến giao hàng được trong 2020.