Cựu Chủ tịch hãng ô tô Nhật Bản Nissan Carlos Ghosn, một bị cáo hình sự, đã trốn khỏi Nhật Bản trong một chuyến “đào tẩu” đầy ngoạn mục. Thậm chí, sau khi Ghosn trốn thoát, chính phủ Nhật Bản gần như “ngơ ngác”, không biết phải phản ứng như thế nào. Ghosn được tại ngoại và bị kiểm tra, theo dõi gắt gao tại Tokyo. Ông không được phép truy cập Internet ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ gọi điện cho vợ khi được cho phép và các mật vụ luôn luôn theo sát ông. Vậy nhưng, bằng cách nào đó Ghosn đã trốn thoát khỏi Nhật Bản, đến Lebanon, nơi ông là một công dân hợp pháp.
Báo Bloomberg đã có bài viết rất chi tiết về chuyến “vượt ngục” thành công của Ghosn. Chúng tôi xin lược dịch lại bài viết để độc giả có thể theo dõi, một cuộc chạy trốn thật sự ly kỳ không khác gì một bộ phim bom tấn của Hollywood. Thực tế, cuộc đời ông, Carlos Ghosn, là một đề tài hấp dẫn các nhà làm phim.
Mùa thu năm ngoái, một công ty an ninh ở châu Á đã nhận được một cuộc gọi rất tò mò. Người đàn ông ở đầu dây bên kia, một người quen biết lâu năm và cũng là một chuyên gia an ninh chuyên bảo vệ các VIP và hàng hóa giá trị trong môi trường đầy thách thức. Người đó đang muốn thuê một dịch vụ bảo vệ đặc biệt. Rất ít chi tiết công việc được đưa ra, nhưng nhiệm vụ sẽ liên quan đến việc hộ tống một người ra khỏi Nhật Bản. Tiền công sẽ rất tốt. Và anh ta đang tìm kiếm những thành viên có kinh nghiệm trong quân đội hoặc cảnh sát và, lý tưởng nhất là những người có gương mặt kiểu Đông Á với làn da trắng trẻo, phổ biến ở Tokyo.
Phía công ty được thuê muốn biết thêm: Họ sẽ bảo vệ ai? Những mối đe dọa cụ thể là gì? Khách hàng có mang theo tiền mặt hay vàng hay thứ gì giá trị không? Nhưng người gọi điện đến không nói. Và họ cúp máy, công việc được trao đổi trong cuộc điện thoại nhanh chóng bị quên lãng, cho đến khi có thông tin về Carlos Ghosn.
Ngay trước thềm năm mới, Ghosn, nhà lãnh đạo bị lật đổ của Nissan Motor Co. và Renault SA, đã hoàn thành cuộc vượt ngục táo bạo chạy trốn khỏi Tokyo, nơi ông đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự có thể khiến ông ngồi tù hơn một thập kỷ. Mặc dù bị giám sát nghiêm ngặt khi được tại ngoại, camera an ninh cài đặt cửa trước, các đặc vụ bí mật luôn luôn bám đuôi khi ông rời khỏi nhà, Ghosn bằng cách nào đó đã đến được Lebanon, nơi ông từng sống trong những năm tháng thiếu niên và là một công dân hợp pháp.
Đối với Ghosn, người đã trải qua hơn 100 ngày biệt giam trong một nhà tù ở Tokyo và đang đối mặt với phiên tòa hình sự, đó là một cuộc chạy trốn tuyệt vời. Lebanon có chính sách chống lại việc dẫn độ công dân. Ghosn là một trong những người di cư thành công nhất của đất nước đã trở thành anh hùng dân tộc, quan hệ với một số doanh nhân và chính trị gia lớn nhất đất nước. Khuôn mặt Ghosn thậm chí còn được in trên một con tem bưu chính. An toàn ở Beirut, cuối cùng Ghosn có thể bác bỏ các cáo buộc mà ông cho là kết quả của một âm mưu giữa các phe phái dân tộc, cả trong Nissan và Chính phủ Nhật Bản, khiến ông bị loại khỏi cuộc chơi. Và, quan trọng nhất, Ghosn có thể khôi phục danh tiếng của mình như một người đàn ông tuyệt vời trong kinh doanh, thậm chí có thể chuẩn bị cho một sự trở lại thương trường.
Vài tuần sau khi Ghosn trốn thoát, vẫn chưa rõ ông có thành công hay không. Ghosn vẫn bị điều tra ở Pháp, trụ sở của Renault. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành truy nã đỏ với ông qua Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế Interpol. Các công tố viên Nhật Bản cũng đã có lệnh bắt giữ đối với vợ ông, Carole, tuyên bố bà đã đưa ra lời khai sai sự thật trong cuộc điều tra của họ. Và nhiệm vụ khôi phục danh tiếng của ông là một trong những vấn đề gai góc nhất. Ngay cả một số đồng nghiệp cũ cũng không chắc có đưa ra các cáo buộc chống lại Ghosn hay không. Và thật khó tưởng tượng các tập đoàn lớn, ngân hàng hoặc nhà đầu tư đồng ý làm việc với một người đàn ông bị gọi là “bỏ chạy”.
Trong thời gian tại ngoại ở Nhật Bản, Ghosn chủ yếu ở tại văn phòng luật sư của ông ở trung tâm Tokyo. Theo các điều khoản, ông bị cấm truy cập internet từ bất cứ đâu, và ông chỉ được sử dụng một phòng họp chật chội với một cái bàn trống, cái bảng trắng và máy tính xách tay. Đó cũng là địa điểm duy nhất mà Ghosn được phép gọi điện cho vợ là Carole, chỉ khi có sự chấp thuận của một thẩm phán Tokyo. Từ tháng Tư, khi ông gặp vợ lần cuối, cho đến hết năm 2019, ông được cho phép gọi điện cho vợ 2 lần: một lần vào tháng 11, và một lần nữa, trong một giờ, vào đêm Giáng sinh.
Sau này, Ghosn nói, không được nhìn thấy vợ là phần khó khăn nhất trong các thử thách của ông. Tâm trạng của ông rất khủng khiếp vào ngày Giáng sinh, sau một phiên điều trần mà ông biết rằng các công tố viên muốn tiếp tục trì hoãn vụ án của ông đến năm 2021. Thực ra, các luật sư nói với ông rằng, có thể phải mất đến 5 năm mới giải quyết hoàn toàn các vụ án của ông.
Ghosn có nguồn tài chính dồi dào và ba hộ chiếu từ Lebanon, Pháp và Brazil. Trong nhiều tháng, một nhóm gồm hơn một chục nhân viên an ninh, do một cựu chiến binh Lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ, đã lên kế hoạch đưa ông đến Lebanon, quốc gia nơi Ghosn có các kết nối rộng lớn nhất. Kế hoạch giữ bí mật khủng khiếp: Một số người tham gia thậm chí không biết danh tính của người mà họ sẽ đưa ra khỏi nước Nhật, ngay cả sau khi họ đã chấp nhận công việc.
Phần 2: Hai mắt xích quan trọng
Phần 3: Hành trình hoàn hảo