Năm 1989, để đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập công ty, Toyota đã thiết kế lại logo. Kết hợp 3 hình bầu dục chồng lên nhau, 2 bên trong tạo thành một chữ T cách điệu và một tay lái. Logo thể hiện “kỳ vọng của khách hàng (chiều ngang) và lý tưởng của nhà sản xuất ô tô (theo chiều dọc) được lồng vào nhau một cách chắc chắn để tạo thành chữ T", Toyota giải thích. Hình bầu dục ngoài cùng đại diện cho thế giới đang bao trùm Toyota.
Thương hiệu xe hơi xa xỉ của Mỹ lấy tên từ nhà thám hiểm Pháp Antoine de la Mothe Cadillac, người lập ra công ty tại thành phố Detroit. Logo dựa trên huy hiệu của gia đình Cadillac. Biểu tượng bao gồm 3 dải màu (đại diện cho sự táo bạo, đức hạnh và dũng cảm), một chiếc vương miện, một vòng hoa và một số con vịt Merganser nhỏ. Các phiên bản trước của logo Cadillac bao gồm những con vịt, sau đó đã bị loại bỏ.
Giống như một số nhà sản xuất ô tô, Audi đã hợp nhất nhiều công ty thành một. Logo ban đầu gồm 4 tên công ty cũ (Audi, DKW, Horch và Wanderer) mỗi tên trong vòng riêng. Sau này để đơn giản hóa, người ta loại bỏ các ký tự và giữ lại vòng lồng vào nhau.
Trái ngược với lời giải thích lắc léo của Jamal Wallace trong phim Đi tìm Forrester, vòng tròn màu xanh và trắng không đại diện cho cánh quạt màu trắng của máy bay trên nền trời xanh, gợi nhớ về thời kỳ đầu thế kỷ 20 khi Bavarian Motor Works chế tạo động cơ máy bay. Theo phát ngôn viên của hãng, câu chuyện này bắt nguồn từ một quảng cáo trên tạp chí năm 1929. Trên thực tế, màu xanh và trắng chỉ đơn thuần là biểu trưng cho lá cờ Bavaria.
Trong tiếng Nhật, subaru là tên của một cụm sao trong chòm Kim Ngưu, một trong những cụm sao gần nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vị chủ tịch đầu tiên của công ty cảm thấy đó là một từ đẹp, nhưng nó cũng có thể liên quan đến 6 doanh nghiệp đã hợp nhất vào năm 1953 để tạo thành Fuji Heavy Industries, tập đoàn mẹ của Subaru.
Có nhiều giai thoại khác nhau về việc tạo ra logo của Chevrolet. Một số người nói nhà sáng lập William C. Durant đã có một giấc mơ sau khi nhìn thấy thiết kế giấy dán tường từ một khách sạn ở Pháp; hoặc, theo con gái của ông, đó là thiết kế ngẫu nhiên mà ông phác thảo trên một chiếc khăn trải bàn. Những câu chuyện khác nói rằng nó được "mượn" từ một quảng cáo trên báo mà Durant và vợ ông nhìn thấy trong kỳ nghỉ ở Hot Springs, Virginia vào năm 1912, hoặc được mô phỏng theo lá cờ của Thụy Sĩ, để vinh danh nơi sinh của người bạn thân, tay đua Louis Chevrolet.
Daimler-Motoren-Gesellschaft đã đăng ký 2 biểu tượng ngôi sao vào năm 1909, một có 3 cánh và một có 4 cánh, nhưng ngôi sao 4 cánh không bao giờ được sử dụng. Ngôi sao 3 cánh của Mercedes-Benz mang tính biểu tượng sự thống trị của động cơ ở ba nơi: biển, không trung và đất liền.
Volvo sử dụng biểu tượng cổ đại cho vị thần chiến tranh trong truyền thuyết La Mã, nó cũng gần với ký hiệu cho kim loại sắt được sử dụng trước đây. Công ty Thụy Điển, nổi tiếng với những chiếc xe an toàn, chắc chắn, đã dùng logo này khi bắt đầu sản xuất vào những năm 1920.
Hãng xe Ý được lập ra và quản lý bởi 3 anh em ruột, nhưng người em thứ tư của Maserati, nghệ sĩ Mario, đã tạo ra logo của công ty. Ông đã thiết kế một chiếc đinh ba dựa trên bức tượng thần Neptune của La Mã ở quảng trường Piazza Maggiore ở Bologna, thêm màu đỏ và xanh lam đặc trưng thành phố đó.
Logo của Porsche kết hợp các yếu tố từ hai quốc huy: Bang Württemberg ở miền tây nước Đức và thủ đô cũ Stuttgart.
Tay đua người Ý Enzo Ferrari yêu cầu sơn một con ngựa chồm lên trên xe của mình để tôn vinh phi công chiến đấu và anh hùng trong Thế chiến thứ nhất, Bá tước Francesco Barraca, người đã vẽ một con ngựa tương tự trên máy bay. Ferrari thành lập đội đua Scuderia Ferrari vào năm 1929 và giữ biểu tượng con ngựa, thêm màu vàng tươi làm nền, màu sắc tượng trưng cho thành phố Modena quê hương ông.
Mitsu trong tiếng Nhật có nghĩa là ba, trong khi hishi, hoặc bishi, dùng để chỉ hạt dẻ hình thoi. Logo này xuất phát từ gia huy hình ba lớp hạt dẻ của Yataro Iwasaki, người sáng lập ra Tsukumo Shokai, và gia huy hình ba lá sồi của gia đình Yamanouchi thuộc Gia tộc Tosa. Sử liệu cho thấy rằng tên Công ty Mitsubishi được xác lập sau đó.
Ban đầu là một nhà máy ngũ cốc của Pháp, Peugeot đa dạng hóa sang sản xuất thép, sản xuất công cụ và xe đạp, và vào cuối những năm 1890, sản xuất ô tô. Anh em Jules và Emile đã đặt một logo vào giữa thế kỷ 19 để sử dụng trên tất cả các sản phẩm của mình. Biểu tượng sư tử lần đầu tiên được đưa lên xe hơi vào năm 1905 và ngày càng được cách điệu hóa. Hình ảnh con sư tử trừu tượng lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1975.
Linh vật "Spirit of Ecstasy" nằm trên đầu lưới tản nhiệt phía trước của những chiếc xe hơi sang trọng của Anh được cho là lấy từ tác phẩm điêu khắc có tên "The Whisperer", mô phỏng theo nữ diễn viên Eleanor Thornton. Nhà điêu khắc Charles Sykes được giao nhiệm vụ tạo logo cho chiếc Rolls-Royce của Lord John Montagu. Sau đó, Sykes được yêu cầu tạo ra một linh vật cho những chiếc Rolls-Royces khác. Ông đã tạo ra một phiên bản sửa đổi từ tác phẩm đã làm cho Montagu. Đến những năm 1920, biểu tượng này được chính thức sử dụng trên dòng xe hơi Rolls-Royces.
Giai thoại kể rằng khi công ty được hình thành, người sáng lập Ferrucio Lamborghini sống tại Miura Ranch, nơi nuôi dưỡng những co bò đực mạnh mẽ dùng cho việc thi đấu. Là một người đam mê đấu bò nổi tiếng, sinh nhật của Ferrucio Lamborghini cũng rơi chòm Kim Ngưu, vì vậy không có gì khó hiểu khi logo của hãng sử dụng hình ảnh một chú bò mạnh mẽ.