Lợi nhuận của nhà sản xuất ô tô niêm yết trên sàn Nasdaq Stockholm vào tháng 10, cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí nguyên liệu và các thay đổi tài chính tại liên doanh xe điện (EV) Polestar, trong đó công ty này sở hữu 49% cổ phần.
Công ty có trụ sở tại Gothenburg và các công ty cùng ngành trên toàn cầu đã buộc phải cắt giảm sản lượng xe, bất chấp nhu cầu tăng cao tại các thị trường chủ chốt như Trung Quốc và Mỹ, do tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu.
Volvo cho biết, chuỗi cung ứng sẽ vẫn là một yếu tố hạn chế, trong khi tình trạng thiếu hụt thành phần sẽ chỉ dần dần được cải thiện.
"Vấn đề chắc chắn sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm nay. Tôi nghĩ còn quá sớm để nói rằng chúng ta sẽ thấy sự bình thường hóa trong nửa cuối năm", Giám đốc điều hành lâu năm Hakan Samuelsson, người sẽ từ chức vào tháng 3 sắp tới nói.
Trong khi một số nhà sản xuất ô tô cho biết tình trạng thiếu chip có thể giảm bớt trong nửa cuối năm 2022, một số nhà sản xuất chip đã cảnh báo rằng quá trình phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn.
Lợi nhuận hoạt động quý 4/2021 của Volvo đã giảm xuống còn 3,7 tỷ Crown Thụy Điển (396,4 triệu USD) so với 4,9 tỷ một năm trước đó và không đạt mức 4,8 tỷ mà các nhà phân tích kỳ vọng.
Doanh thu hàng quý giảm 6% xuống 80,1 tỷ Crown nhưng vượt mức 75,2 tỷ mà các nhà phân tích mong đợi. Volvo cho biết họ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh số vào năm 2022.
JP Morgan cho biết họ dự kiến thu nhập giảm "do cuộc thảo luận về chi phí phát sinh tại Polestar".
Volvo đặt mục tiêu 50% doanh số bán hàng của mình là ô tô chạy điện vào giữa thập kỷ này. Trong tháng Giêng, tỷ trọng là 6,6%.
Biên lợi nhuận hoạt động cả năm của công ty này đã tăng lên 7,2% từ 3,2% vào năm 2020 và 5,2% vào năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra.
Volvo, do Geely Holding của Trung Quốc sở hữu phần lớn, đã phải đề xuất không trả cổ tức.