Theo CNN, các cáo buộc liên quan đến hành vi diễn ra từ năm 2009 đến năm 2014, khi các nhà sản xuất ô tô tổ chức "các cuộc họp kỹ thuật thường xuyên" để thảo luận về việc phát triển công nghệ loại bỏ khí thải nitơ-oxit độc hại từ xe du lịch chạy dầu diesel.
"Năm nhà sản xuất ô tô Daimler, BMW, Volkswagen, Audi và Porsche sở hữu công nghệ giúp giảm lượng khí thải độc hại trên ô tô. Vấn đề nằm ở chỗ công nghệ này có khả năng giảm khí thải độc hại cao hơn cả mức yêu cầu pháp lý theo tiêu chuẩn khí thải của EU. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô này lại né tránh cạnh tranh khi không sử dụng toàn bộ tiềm năng của công nghệ để giảm khí thải, giúp làm sạch môi trường tốt hơn mức luật pháp yêu cầu.
Trong thế giới ngày nay, xe ô tô gây ra ít tác hại ô nhiễm cho môi trường là một điều rất quan trọng. Nhóm 5 công ty đã thông đồng với nhau, hạn chế sự cạnh tranh trong công nghệ giúp giảm khí thải”, quan chức chống độc quyền hàng đầu của Ủy ban EU, Margrethe Vestager, cho biết trong tuyên bố.
Volkswagen, cùng với hai thương hiệu con là Audi và Porsche, bị phạt 502 triệu Euro (595 triệu USD) và BMW bị phạt 373 triệu Euro (442 triệu USD). Ủy ban cho biết Daimler không bị phạt vì đã tiết lộ sự tồn tại của cartel.
Tuy nhiên, Daimler cũng đang dính líu đến một vụ kiện tập thể tại Đức, liên quan đến bê bối gian lận khí thải. Một nhóm người tiêu dùng cáo buộc Daimler thao túng động cơ diesel và đưa ra những kết quả gian lận khí thải. Tuy nhiên, Daimler vẫn đang phủ nhận việc họ cố tình có hành vi gian lận.
Trong khi đó, ở bê bối vi phạm cạnh tranh này, Volkswagen cho biết họ đang xem xét liệu có nên kháng cáo phán quyết hay không, vì hãng cho rằng vụ phạt đã đặt ra một tiền lệ đáng ngờ.
Theo Volkswagen, với quyết định này, Ủy ban châu Âu đang phá vỡ cơ sở pháp lý mới, vì đây là lần đầu tiên hoạt động hợp tác kỹ thuật bị xem là vi phạm chống độc quyền. “EU áp dụng tiền phạt mặc dù nội dung của các cuộc đàm phán không bao giờ được thực hiện và khách hàng chưa bao giờ bị tổn hại", công ty nói thêm.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu nói rằng các hướng dẫn của Ủy ban về mối thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa các nhà sản xuất ô tô "không còn tính công bằng trước những thách thức phức tạp mà ngành ô tô phải đối mặt" và cần được cập nhật.
Trong một tuyên bố, BMW nói rằng Ủy ban đã "xóa bỏ hầu hết các cáo buộc vi phạm chống độc quyền" cũng như xóa bỏ nghi ngờ nhà sản xuất sử dụng thiết bị gian lận trong các bài kiểm tra khí thải.
"Điều này cho thấy chưa bao giờ có bất kỳ cáo buộc nào chống lại BMW về việc thao túng bất hợp pháp hệ thống kiểm soát khí thải”, công ty cho biết thêm.
Vào năm 2015, Volkswagen thừa nhận đã gian lận hàng triệu động cơ diesel, để chúng thải ra khí thải độc hại trong các cuộc thử nghiệm ít hơn so với thực tế. Vụ bê bối đã khiến cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, sau đó là các quyết định phạt tiền và dàn xếp, khiến nhà sản xuất ô tô thiệt hại ít nhất 39 tỷ USD và ảnh hưởng danh tiếng của hãng.
Tháng trước, cựu Giám đốc điều hành của Volkswagen, Martin Winterkorn, đã đồng ý trả cho công ty gần 14 triệu USD sau một cuộc điều tra cho thấy ông này không phản hồi chính xác các dấu hiệu cho thấy công ty có thể đã sử dụng công nghệ động cơ diesel bất hợp pháp.
Gian lận khí thải để chứng minh rằng các sản phẩm ô tô thải ra lượng khí độc hại ít hơn trong các bài kiểm tra là một scandal "dài tập" của các hãng xe. Cũng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, các chính phủ trên thế giới ngày càng siết chặt hơn mức độ khí thải của ô tô, đồng thời đưa ra hệ thống điểm tín dụng, từ đó buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang sản xuất xe ô tô điện, với mục đích xe ô tô không phát thải.