Một vụ sáp nhập như vậy có thể mang đến kết quả là Trung Quốc có hãng xe toàn cầu đầu tiên trong lịch sử nước này.
Cả Geely Automobie và Volvo Cars hiện đều nằm dưới sự kiểm soát của Geely Group, tập đoàn do tỷ phú Trung Quốc Li Shufu sáng lập và điều hành. Một tuyên bố ra ngày 10/2 cho biết hai nhà sản xuất ô tô này đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch sáp nhập và theo dự kiến, hãng xe sau sáp nhập sẽ niêm yết cổ phiếu tại cả Hồng Kông và Stockholm.
Giá cổ phiếu Geely có lúc tăng gần 9% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 4/2019.
Sáp nhập Volvo và Geely là một cuộc hợp nhất trong danh sách ngày càng dài các thương hiệu ô tô mà tỷ phú Li sở hữu. Kể từ khi được ông Li mua lại vào năm 2010 đến nay, doanh số của Volvo đã tăng gấp hai lần.
Ông Li, người cũng là cổ đông lớn nhất của hãng xe Đức Daimler, nhà sản xuất xe Mercedes-Benz, xem hợp nhất là một phương thức hữu hiệu để các hãng xe tập trung nguồn lực cho những sáng kiến đòi hỏi đầu tư tốn kém như điện hóa và xe tự hành.
Việc Volvo và Geely từ hai thành một có thể báo hiệu “sự nổi lên của hãng xe toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc”, nhà phân tích Robin Zhuo thuộc Sanford C. Bernstein ở Hồng Kông nhận định trong một báo cáo.
Chuyên gia này ước tính vụ sáp nhập sẽ đưa doanh thu hàng năm của Geely tăng gấp khảng 3 lần và lợi nhuận thuần từ sản xuất-kinh doanh tăng gấp gần 2 lần.
Hoạt động liên minh, sáp nhập trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu được đẩy nhanh trong vòng một năm trở lại đây. Volkswagen và Ford Motor đạt thỏa thuận hợp tác để phát triển xe điện và xe không người lái. Fiat Chrysler đang tiến tới sáp nhập với PSA Group, chủ thương hiệu xe Peugeot.
Sáp nhập vào Geely và niêm yết trên thị trường chứng khoán được xem là một cách sáng tạo để đưa Volvo lên sàn, sau khi hãng xe này trì hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2018 do lo ngại ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung đến nhu cầu của giới đầu tư. Cấu trúc của công ty mới sau vụ sáp nhập có thể sẽ được đưa ra vào cuối năm nay, một người phát ngôn của Volvo cho hay.
Với giá cổ phiếu của Geely niêm yết tại thị trường Hồng Kông hiện nay, công ty có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 16 tỷ USD. Theo giới thạo tin, trước khi từ bỏ kế hoạch IPO, Volvo đặt mục tiêu vốn hóa từ 16-32 tỷ USD nhưng nhà đầu tư chỉ sẵn sàng mua cổ phiếu của hãng với mức giá tương đương vốn hóa từ 12-18 tỷ USD.
Volvo ra đời năm 1926, ban đầu là một dự án của công ty sản xuất ổ bi SKF AB, khi công ty này muốn chứng minh sản phẩm ổ bi của mình có thể được dùng trong ô tô như hế nào. Volvo niêm yết cổ phiếu ở Stockholm vào năm 1935 trước khi mở rộng thành một công ty lớn, sản xuất các mặt hàng từ xe tải tới thiết bị xây dựng, đồng thời nắm giữ cổ phần trong các công ty dược phẩm và đồ uống.
Sau vụ sáp nhập bất thành với hãng xe Pháp Renault, Volvo Group bán lại mảng xe hơi Volvo Cars cho Ford vào năm 1999 để tập trung sản xuất xe tải và xe bus. Geely mua lại Volvo Cars từ Ford sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây mọt thập kỷ.
Geely, thương hiệu xe Trung Quốc bán chạy nhất trong 3 năm liên tiếp vừa qua, đã tìm cách tiến lên phân khúc cao hơn trên thị trường ô tô thông qua hợp tác với Volvo. Hãng xe mới sắp nhập cũng sẽ bao gồm Lynk & Col, một công ty sản xuất ô tô sử dụng nền tảng CMA của Volvo, và Polesta, một liên doanh mới công bố mẫu xe điện đầu tay vào năm ngoái với mục tiêu cạnh tranh với Model 3 của Tesla.
Theo dữ liệu doanh số 2019, doanh số của hãng xe sau sáp nhập sẽ vượt con số 2 triệu, ngang ngửa với doanh số của BMW.
Kể từ khi được Geely Group thâu tóm, thương hiệu Volvo đã có sự trỗi dậy đầu ngoạn mục, dẫn đầu là các mẫu xe SUV - dòng sản phẩm chiếm hơn một nửa doanh số của hãng trong năm ngoái. Trong cùng khoảng thời gian, doanh số của Volvo tại Trung Quốc tăng gấp 5 lần và hãng đã mở được 3 nhà máy lắp ráp ô tô cùng một nhà máy sản xuất động cơ ở nước này.
Ngoài Volvo Cars và cổ phần trong Daimler, tỷ phú Li còn sở hữu hãng sản xuất xe taxi London EV Company, cổ phần trong hãng xe Lotus Cars, và thâu tóm cổ phần trong công ty xe tải Volvo Group vào năm 2018.