Cơn khát thương hiệu xe phương Tây của ông chủ Geely

Phương Vy

Cách đây một thập kỷ, khi ông Li Shufu tìm cách mua lại hãng xe Volvo của Thụy Điển, không mấy ai bên ngoài Trung Quốc từng nghe tên ông.

Tỷ phú ngành ô tô Trung Quốc Li Shufu.
Tỷ phú ngành ô tô Trung Quốc Li Shufu.

Giờ đây, tỷ phú Li lại chính là cái tên được nghĩ đến đầu tiên ngay khi có thông tin về một thương vụ tiềm năng nào đó trong ngành công nghiệp ô tô.

Tập đoàn Zhejiang Geely của ông Li không chỉ thâu tóm Volvo vào năm 2010, mà sau đó còn mạnh dạnh mua lại thương hiệu xe Anh Lotus Cars và cổ phần trong Daimler - hãng xe Đức nắm thương hiệu Mercedes Benz. Cách đây ít hôm, có tin Geely đang có ý định rót vốn vào Aston Martin. Trong 2019, hãng mẹ của thương hiệu Jaguar Land Rover tiếp cận Geely và đưa ra đề xuất hợp tác.

Thành công của ông Li trong các vụ thâu tóm đặt Geely vào một vị thế thuận lợi trong bối cảnh các hãng sản xuất ô tô trên toàn cầu tìm kiếm các thỏa thuận liên minh nhằm chuẩn bị cho một tương lai được dự báo sẽ có nhiều biến động. Ngành công nghiệp ô tô đang bước vào thời kỳ dịch chuyển mạnh mẽ sang xe chạy điện, xe không người lái và các dịch vụ di chuyển. Những thay đổi này làm suy giảm nhu cầu sở hữu xe hơi cá nhân và đặt ra nguy cơ sống còn đối với các hãng xe yếu hơn.

“Ông Li Shufu tin rằng ngành công nghiệp ô tô không cần có quá nhiều hãng xe trong tương lai”, nhà phân tích Shi Ji thuộc công ty chứng khoán Haitong International Securities ở Hồng Kông nhận định. “Thành công mà Geely đạt được với Volvo giúp hãng thêm phần tự tin rằng hãng có thể phát triển nhanh hơn thông qua các vụ sáp nhập”.

Ông Li đã củng cố uy tín của mình với tư cách một doanh nhân xuất sắc trong các vụ mua lại bằng cách vực dậy Volvo Cars trong sự hoài nghi của cả ngành công nghiệp ô tô. Ông đã trao nguồn lực cho đội ngũ kỹ thuật của Volvo để đầu tư vào các mẫu xe mới. Cùng với đó, ông cắt giảm chi phí trước đó ở mức cao của Volvo bằng cách để Geely và Volvo cùng phát triển nền tảng xe. Ngoài ra, ông còn xây dựng một nhà máy với chi phí rẻ ở Trung Quốc để xuất khẩu xe ra nước ngoài, bao gồm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

“Giới doanh nhân Trung Quốc xem các vụ thâu tóm trên toàn cầu là cách nhanh chóng để phát triển hoạt động kinh doanh của họ”, ông Xu Haidong, Phó tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) phát biểu. “Geely đã cho cả thế giới thấy rằng họ có thể vận dụng thành công cách làm như vậy”.

Dưới đây là tóm tắt các vụ đầu tư vào các hãng xe nước ngoài mà Geely từng thực hiện:

Cơn khát thương hiệu xe phương Tây của ông chủ Geely - Ảnh 1

“Các công ty truyền thống của Trung Quốc có thế mạnh ở mảng sản xuất, chế biến, nhưng lại không thực sự mạnh ở mảng phát triển thương hiệu, công nghệ và mô hình kinh doanh”, ông Thomas Fang, Phó chủ tịch công ty tư vấn Roland Berger ở Thượng Hải, nhận định. Theo ông Fang, để phát triển thành công, Geely cần kết hợp nhuẫn nhuyễn được thế mạnh của hãng và thế mạnh của các công ty phương Tây mà hãng mua lại.

Theo thông tin mới xuất hiện mấy ngày gần đây, Geely đã bước đầu thảo luận về một kế hoạch đầu tư vào Aston Martin Lagonda Global Holdings, công ty sở hữu thương hiệu xe Aston Martin. Nguồn thạo tin nói rằng Geely tạm thời đang quan tâm tới một thỏa thuận chia sẻ công nghệ có thể mang lại lợi ích cho một số công ty con trong Geely như Lotus.

Thành công trong các vụ đầu tư của ông Li đã khuyến khích các hãng xe Trung Quốc khác học theo.

Tháng 7 năm ngoái, Beijing Automotive Group mua cổ phần 5% trong Daimler và đang cân nhắc nâng mức cổ phần nắm giữ trong hãng xe Đức này lên 9,9% - theo giới thạo tin. Dongfeng Motor mua cổ phần 12% trong PSA, nhà sản xuất xe Peugeot, trong một thỏa thuận vào năm 2014.

Một đầu tàu quan trọng cho sự phát triển và mở rộng của Geely là tầm nhìn của ông Li về biến công ty này từ một hãng sản xuất ô tô thành một nhà cung cấp dịch vụ  giao thông. Geely đã tự mình phát triển dịch vụ chia sẻ xe và cả hợp tác với Daimler ở mảng này, cũng như đặt cược mạnh tay vào những xu hướng tương lai như taxi bay và tàu cao tốc.

Tháng 9/2019, Geely dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót vốn vào VoloCity, một nhà cung cấp dịch vụ taxi bay, đặt mục tiêu chính thức cung cấp dịch vụ này ra thị trường trong vòng 3 năm. Năm 2018, Geely ký thỏa thuận với Tổng công ty Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CESI) về phát triển tàu siêu thanh sử dụng công nghệ trong nước.

“Geely đang phấn đấu trở thành một nhà cung cấp giải pháp giao thông toàn diện” thay vì chỉ là một nhà sản xuất thiết bị gốc, ông Bill Russo, Giám đốc công ty tư vấn Automobility Ltd., nhận xét. “Họ đang sử dụng một phương pháp hoàn toàn mới để thúc đẩy sự phát triển của mình. Và họ làm việc đó tốt hơn nhiều so với các nhà sản xuất thiết bị gốc khác”.

Theo Bloomberg

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.