Vào thời hoàng kim của Lotus, hầu như không có một thương hiệu siêu xe nào có thể làm ra những chiếc xe vừa “cool ngầu” vừa sang chảnh một cách không cần gồng gắng như hãng này. Một số mẫu xe Lotus thậm chí đã xuất hiện trong bộ phim huyền thoại James Bond. Chưa kể, Lotus cũng giành được thành công lớn trên đường đua, với vài lần giành vô địch giải Công thức 1 (F1).
Vậy điều gì đã khiến Lotus ngày càng “bay màu” trong 3 thập kỷ sau đó?
Theo trang Hot Cars, sự đi xuống của Lotus là một câu chuyện dài và phức tạp, với những yếu tố như sự gian lận, dự báo thiếu chính xác, và sai lầm trong quản lý.
Dưới đây là một vài nguyên nhân dẫn tới thất bại của Lotus mà Hot Cars điểm qua:
Lotus luôn tồn tại trong tình trạng bấp bênh
Trái với những gì công chúng hay biết, Lotus chưa bao giờ có được sự ổn định thực sự về mặt tài chính. Trên thực tế, ngay cả ở thời kỳ thành công đỉnh cao, công ty này cũng sa vào một vụ bê bối. Cuối thập niên 1970, Lotus dường như đang ở trên đỉnh của thế giới: một chiếc xe Lotus xuất phiên trong bộ phim James Bond “A Spy who love me”, và tay đua Mario Andretti giành vô địch F1 trên một chiếc xe đua Lotus.
Tuy nhiên, phía sau bức màn rực rỡ đó, mọi chuyện không hề đơn giản. Lotus vướng vào scandal của DeLorean Motor Company - hãng xe bị buộc tội lừa dối Chính phủ Anh. Vụ bê bối này, cộng với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, đã đẩy Lotus vào một vòng xoáy đi xuống. Tệ hơn, vào năm 1982, nhà sáng lập Lotus là Colin Chapman đột tử vì suy tim, khiến Lotus bị đẩy tới bờ vực sụp đổ.
Nỗ lực trở lại vào năm 2009 của Lotus bị khủng hoảng tài chính phá hỏng
Sau cái chết của Chapman, Lotus rơi vào thời kỳ đầy biến động kéo dài suốt 1 thập kỷ. Hãng siêu xe này đã thu hút được mối quan tâm lớn nhờ thành tựu kỹ thuật xuất sắc. Uy tín của Lotus lớn đến nỗi hãng đã mở một công ty tư vấn riêng, cung cấp dịch vụ tư vấn cho những hãng xe như GM, Tesla và Aston Martin. GM đã nhận thấy một điều gì đó họ thích ở Lotus và đã mua lại hãng xe Anh này vào năm 1987. Nhưng rốt cục, đây là một “cuộc hôn nhân” tồi đối với cả hai, và hãng xe Mỹ bán lại Lotus cho doanh nhân người Italy Romano Artioli vào năm 1993.
Chưa thể trở lại ngay với thành công, nhưng dưới sự quản lý của Artioli, Lotus đã trình làng được một mẫu xe giúp hãng tránh được cảnh chìm vào quên lãng. Đó là Lotus Elise - siêu xe được ca ngợi về trọng lượng nhẹ và khả năng lái tuyệt vời. Chiếc xe này đã trở thành biểu tượng cho Lotus trong nhiều năm tiếp theo.
Vào năm 2009, dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc (CEO) Dany Bahar, Lotus lên kế hoạch táo bạo cho một sự trở lại. Tham dự Triển lãm Ô tô Paris 2010, Lotus ra mắt 6 mẫu xe ý tưởng (concept) mới.
Nhưng rồi những ý tưởng này đã không trở thành hiện thực. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và suy thoái kinh tế sau đó đã phá hỏng kế hoạch của Lotus, cũng như ngành công nghiệp ô tô toàn cầu nói chung. Kế hoạch “hồi sinh” của Lotus đã bị dập tắt ngay khi vừa manh nha.
SUV “đè bẹp” xe thể thao
Được đánh giá là mẫu xe có độ sáng tạo cao trong suốt một khoảng thời gian khá dài, nhưng Lotus không thể tránh được việc phải chống lại sự khắc nghiệt của thời gian. Bước sang thế kỷ 21, một cuộc cách mạng lại nổi lên trong ngành công nghiệp ô tô. Xe thể thao không còn được ưa chuộng như trước, trong khi xe SUV nổi lên chiếm chỗ.
Trước đây, khi muốn một chiếc xe hiệu năng cao, người tiêu dùng buộc phải mua xe thể thao, mà Lotus là một hình mẫu. Nhưng trong 2 thập kỷ qua, xe SUV ngày càng cải thiện về hiệu năng và khả năng lái nói chung. Ngoài ra, xe SUV còn có nhiều lợi thế rõ ràng khác như gầm cao và không gian rộng rãi, nên xe thể thao khó lòng cạnh tranh nổi.
Lotus đã quá dàn trải
Trong suốt lịch sử 65 năm của Lotus, hãng xe này hầu như chưa bao giờ đặt ra cho mình một trọng tâm cụ thể. Khi nhà sáng lập Conlin Chapman còn cầm quyền, các dự án kinh doanh bên ngoài của vị doanh nhân này đã trở thành gánh nặng cho Lotus. Ngoài ra, đội đua F1 của Lotus cũng là một mối “đau đầu” thường xuyên của kế toán công ty, bởi Lotus phải đầu tư rất nhiều để giữ vị trí một đội top đầu.
Sau khi bị bán cho GM rồi tiếp đó bán cho Artoili, Lotus buộc phải từ bỏ F1. Đáng tiếc là kế hoạch “hồi sinh” vào năm 2009 của Lotus cũng chẳng có một trọng tâm rõ ràng nào. Thay vì chỉ giới thiệu 1 hoặc 2 mẫu xe ý tưởng, CEO Bahar tung ra cả loạt 6 mẫu - một sai lầm mà cho tới nay Lotus vẫn phải hứng chịu hậu quả.
Từ năm 2010 trở đi, Lotus đã cố gắng điều chỉnh mình để thích nghi với thế kỷ 21. Những người chủ mới của hãng có thể giúp làm được điều này, bởi hãng xe Trung Quốc Geely - từng thành công trong việc xoay chuyển vận mệnh của Volvo - hiện đang nắm cổ phần đa số trong Lotus. Ngoài ra, CEO mới của Lotus là Phil Popham cũng là một người nhiều kinh nghiệm và đã làm việ rất tốt khi lãnh đạo Jaguar Land Rover.
Trong suốt 1 thập kỷ qua, Lotus chưa tung ra một mẫu xe mới nào, nhưng với chủ mới, và với mẫu Elise được nâng cấp ra mắt hồi tháng 2 năm nay, công chúng có thể tin rằng sẽ đến lúc hãng siêu xe Anh quốc này có sự trở lại thực sự tưng bừng.