Tuy nhiên, theo trang Hot Cars, ngoài Musk, còn có những cái tên khác xứng đáng nhận được đánh giá cao vì đóng góp quan trọng trong lĩnh vực xe điện. Trong đó, phải kể đến Mate Rimac, nhà sáng tạo người Croatia, người đã sản xuất thành công không chỉ một mà là hai hypercar điện tăng tốc nhanh nhất thế giới: Rimac Concept One vào năm 2016 và Rimac Concept Two vào năm 2019.
Mate, 32 tuổi, bắt đầu sự nghiệp bằng việc chế tạo một động cơ điện sử dụng linh kiện đi mua. Lúc đầu, Mate mua một chiếc xe BMW cũ với ý định dùng làm xe để đua, nhưng cuối cùng, anh lại bắt tay vào chế tạo cho chiếc xe một động cơ điện.
Năm 2011, khi Mate 23 tuổi, chiếc siêu xe điện đầu tay của anh đã ra đời trong ga-ra của gia đình. Kết quả này giúp Mate được nhiều nhà đầu tư quan tâm rót vốn. Từ đó, anh bắt đầu có những bước tiến đầu tiên vào ngành công nghiệp ô tô điện. Sau nhiều năm phát triển và thử nghiệm, Mate chính thức ra mắt hypercar điện đầu tiên của Rimac Automobil, chiếc Rimac Concept One vào năm 2016. Vào thời điểm ra mắt, Concept One là siêu xe tăng tốc nhanh nhất thế giới.
Cần phải nói thêm rằng Rimac Automobil là hãng sản xuất ô tô đầu tiên của Croatia. Mục đích của Rimac là sản xuất những ô tô điện thân thiện với môi trường và “ngầu” hơn so với xe của Tesla. Ra đời năm 2009 ở Zagreb, Croatia, Rimac Automobil hiện đang sản xuất những hypercar chạy điện với mức giá hơn 1 triệu USD mỗi chiếc.
Câu chuyện của Mate Rimac, cũng giống như chuyện về Bill Gates hay Steve Jobs, bắt đầu từ một ga-ra. Thành công của Mate trong việc tạo ra xe điện diễn ra rất nhanh chóng và đúng thời điểm, giúp anh không chỉ thu hút được vốn đầu tư cần thiết, mà còn được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách “30 under 30” vào năm 2017. Sự vinh danh này làm gia tăng mạnh uy tín của nhà sản xuất ô tô trẻ tuổi, mở ra cho anh thêm nhiều cơ hội khác.
Khi đã đạt được lợi nhuận kha khá, Rimac có bước tiến sâu hơn vào thị trường xe điện bằng cách đẩy mạnh Geyp Bikes, công ty sản xuất xe đạp điện thuộc sở hữu của Rimac Automobil. Greyp Bikes thiết kế và chế tạo e-Bike, loại xe đạp điện cao cấp, thông minh và được kết nối, sử dụng công nghệ hiện đại nất hiện có để tạo ra hiệu năng hấp dẫn. Loại xe đạp thông minh có giá khoảng 8.000 USD này đang được ưa chuộng trên khắp thị trường châu Âu.
Khi mới khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất đối với Mate là huy động vốn. Nhưng rồi một nhà đầu tư từ Abu Dhabi đã cam kết rót vốn cho Rimac Automobil vào đầu năm 2011. Mate muốn trình làng Rimac Concept One tại Triển lãm Ô tô Frankfurt ngay trong tháng 9 năm đó. Dự án làm chiếc xe này bắt đầu vào tháng 4/2011, tức chưa đầy 5 tháng trước ngày xe ra mắt, trong khi các cộng sự của Mate đều là những người chưa có kinh nghiệm. Cuối cùng, Mate đã thành công, và chiếc Concept One màu đỏ đã được giới thiệu tại Triển lãm Ô tô Frankfurt 2011.
Sau thành công của Concept One, Mate bắt đầu vạch ra một hệ thống sản xuất xe. Việc này khiến Mate mất một thời gian, nhưng giúp anh có được một quy trình chế tạo và sản xuất rõ ràng. Có đủ vốn, công việc được triển khai, và các thương hiệu lớn hơn bắt đầu để ý đến Rimac. Giờ đây, nhiều hãng lớn như Aston Martin, Renault, Koenigsegg,và Pininfarina đều đang sử dụng công nghệ điện của Rimac trong sản phẩm siêu xe của họ.
Tuy là một hypercar được đánh giá “siêu hạng” về khí động lực học, Rimac Concept One không phù hợp cho người cao. Trần xe không đủ cao cho những người có chiều cao trên 6 feet (khoảng 183 cm). Ngoài nhược điểm này, chiếc xe gây ấn tượng bởi nội thất sử dụng vật liệu cao cấp và màn hình cảm ứng công nghệ tối tân giúp điều khiển nhiều tính năng của xe chỉ bằng cách chạm tay.
Động cơ điện 811kW của Rimac Concept One mang lại công suất 1.088 mã lực và mô-men xoắn 1.200 pound-feet. Chiếc xe tăng tốc từ 0 lên 100 km/giờ trong 2,6 giây, đạt tốc độ tối đa ở 225 dặm (hơn 362) km/giờ.
Hypercar của Rimac còn được giới chuyên môn đánh giá cao về công nghệ an toàn. Cũng giống như Concept One, hệ thống phanh 3 phần độ đáo của chiếc xe này được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Đầu tiên là các đĩa phanh truyền thống đường kính gần 40 cm bằng chất liệu sứ-carbon ở phía trước và sau, tiếp đó là bộ phận phục hồi động năng, và cuối cùng là bộ phận phanh tái sinh. Cả ba bộ phận này kết hợp thành một hệ thống phanh cực kỳ hiệu quả.
Có thể coi Rimac Concept S như phiên bản mạnh hơn của Concept One. Các thông số kỹ thuật của Concept S đều ấn tượng hơn: công suất động cơ 1.384 mã lực, tăng tốc từ 0-100 km/giờ trong 2,5 giây, từ 0-200km/giờ trong 5,6 giây, tốc độ tối đa 227 dặm (365 k/giờ).
Rimac Tajima E-Runner Concept One là xe đua mà Rimac làm riêng cho Nobuhiro Tajima, một cựu vận động viên đua xe người Nhật. Chiếc xe đua này nặng 1.500 kg, công suất động cơ 1.475 mã lực, mô-men xoắn 1.106 pound-feet, cho phép tăng tốc từ 0-100 km/giờ trong 2,2 giây.
Sau thành công của Rimac Concept One, Mate Rimac tiếp tục cải thiện hiệu năng động cơ điện. Ngay khi ra mắt, Concept Two đã gây “choáng váng” bằng các thông số về khả năng tăng tốc. Hypercar mới nhất của Rimac có thể tăng tốc từ 0-100 km/giờ trong 1,85 giây, theo đó giữ vị trí chiếc xe tăng tốc nhanh nhất thế giới hiện nay. Tốc độ tối đa của Concept Two là 258 dặm (hơn 415 k)/giờ.
Concept Two sử dụng loại động cơ quad-motor, mỗi mô-tơ điều khiển một bánh xe. Bốn mô-tơ này có thể thực hiện hàng trăm điều chỉnh theo cả hai hướng mỗi giây đồng hồ. Tổng công suất của cả bốn mô-tơ là 1.914 mã lực, tổng mô-men xoắn là 1.696 pound-feet, đưa chiếc xe tăng tốc như một tên lửa.
Concept Two được trang bị pin lithium-mangan-nickel 120 kWh, có thể xạc từ 0 lên 80% trong 30 phút. Mỗi lần xạc đầy pin, xe đi được tối đa 400 dặm (644 km).
Không chú trọng nhiều về hình thức, thiết kế ngoại thất của Concept Two chủ yếu nhằm cải thiện khí động lực cho chiếc xe theo hướng giảm lực cản của không khí và trọng lượng nhiều nhất có thể. Tất cả mọi bộ phận có thể làm bằng chất liệu sợi carbon đều được làm bằng chất liệu này, kể cả khung gầm. Một cánh đuôi giúp xe giữ được ổn định khi ở tốc độ cao.
Bên cạnh những tính năng hiện đại như cảm ứng nhận diện khuân mặt, Concept Two còn được trang bị công nghệ tự lái cấp độ 4, đồng nghĩa với việc chiếc xe hoàn toàn có thể tự vận hành mà không cần có sự hỗ trợ của tài xế. Hệ thống tự lái của Concept Two dựa vào các bộ cảm ứng cao cấp - với 8 camera, 6 radar, 12 điểm siêu thanh, và LiDAR (một phương pháp khảo sát đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu sáng mục tiêu đó bằng một tia laze xung quanh và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến) - cùng bộ vi xử lý cực mạnh.