Một mẫu xe điện của Byton - Ảnh: FT.
Theo một bức email nội bộ của Byton do hãng tin Bloomberg thu thập được, đợt tạm dừng hoạt động này của công ty sẽ bắt đầu vào ngày 1/7 và kéo dài 6 tháng. Byton mời nhân viên tới ký đơn nghỉ việc trước ngày 30/6 và cho biết sẽ cố gắng tìm nguồn tiền để trả nợ lương. Những người chấp nhận ký đơn nghỉ việc sẽ được ưu tiên trả nợ lương sớm hơn những người khác.
Byton là một trong những startup xe điện nổi tiếng của Trung Quốc đối mặt với những thách thức gia tăng nghiêm trọng do Covid-19, trận dịch khiến thị trường ô tô nước này sụt giảm mạnh chưa từng thấy. Ngay từ trước khi xảy ra dịch, Byton đã phải trì hoãn liên tục việc bắt đầu sản xuất và giao hàng mẫu xe đầu tiên của hãng. Đến nay, Byton chưa thực sự bán được chiếc xe nào, những website của hãng vẫn đang nhận đơn hàng.
Là quốc gia có thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc những năm qua đã có nhiều chính sách khuyến khích như trợ giá và các hỗ trợ khác để phát triển ô tô điện. Nhờ những ưu đãi này, các startup ô tô điện “mọc lên như nấm” ở Trung Quốc, dẫn tới mối lo bong bóng. Hiện nay, các startup ô tô điện Trung Quốc đang đứng trước sức ép do Chính phủ nước này bắt đầu cắt giảm hỗ trợ và hãng xe điện Mỹ đã bắt đầu sản xuất xe tại Trung Quốc, giành bớt thị phần của các nhà sản xuất tại nước này.
Trong bức email gửi nhân viên, Byton nêu rõ những thách thức về tài chính và sản xuất của công ty do đại dịch và các yếu tố khác gây ra. Hãng coi việc cắt giảm nhân sự là một phần của cải tổ chiến lược, và trong thời gian cải tổ kéo dài 6 tháng, hãng sẽ chỉ giữ lại một bộ phận nhân viên để duy trì hoạt động cơ bản.
Được thành lập bởi hai nhân vật từng làm quản lý tại hãng BMW, Byton có khoảng 1.000 nhân viên ở Trung Quốc và 500 nhân viên ở nước ngoài, trong đó có Mỹ. Trong số các nhà đầu tư rót vốn vào Byton có hãng xe quốc doanh Trung Quốc China FAW và hãng pin khổng lồ Contemporary Amperex Technology Co. Ltd (CATL) - một nhà cung cấp pin xe cho Tesla.
Khi thành lập vào năm 2016, Byton có sự hậu thuẫn bởi hai hãng công nghệ lớn là Tencent và Foxconn, nhưng cả hai hãng này về sau đều rút lui. Sau đó, Tencent quay sang rót vốn vào một startup xe điện khác là NIO, còn Foxconn ủng hộ Xpent Motors. Một nhà đồng sáng lập của Byton, ông Carsten Breitfeld, cũng rời đi vào năm 2019.
Đầu năm 2019, nhà đồng sáng lập còn lại của Byton là ông Daniel Kirchert, người hiện giữ cương vị Tổng giám đốc (CEO), cho biết Byton dự định vào thị trường Mỹ và châu Âu vào giữa năm 2020. Khi đó, ông Kirchert cũng nói Byton sẽ cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi huy động được vốn mới và bắt đầu việc sản xuất xe.
Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường ô tô điện Trung Quốc bắt đầu sụt giảm vào giữa năm 2019 do Chính phủ giảm trợ cấp và sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Tháng 5/2020, doanh số xe năng lượng mới, trong đó có xe điện, ở Trung Quốc giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 70.200 xe. Trước đó, phân khúc này chứng kiến mức giảm 30% trong tháng 4 và 49% trong tháng 3, theo số liệu từ Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (PCA).
Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn xem ô tô điện là một lĩnh vực ưu tiên phát triển và đã triển khai một số biện pháp mới nhằm giúp ngành này hồi phục. Trong khi nhiều startup xe điện Trung Quốc đang chật vật để tồn tại, một số khác đang chống chọi tốt với sự suy giảm của thị trường, như Tesla và NIO. Cách đây ít lâu, NIO thiếu chút nữa thì “sập tiệm” vì cạn tiền, nhưng đã được chính quyền một địa phương bơm vốn giải cứu.