Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa ký ban hành gói kích thích nền kinh tế trị giá 130 tỷ euro (tương đương 145 tỷ USD) nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm và các doanh nghiệp tái đầu tư. Đây là gói cứu trợ kinh tế ngắn hạn sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Đức cũng áp dụng một số chính sách ưu đãi như tạm thời giảm thuế giá trị gia tăng, phân bổ nguồn tiền để xây dựng mạng lưới dữ liệu 5G, cải thiện hệ thống đường sắt và tăng gấp đôi ưu đãi cho xe điện.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Theo hãng tin Bloomberg, ngành công nghiệp ô tô Đức không được chính phủ hỗ trợ trực tiếp để kích thích người dân mua xe. Nguyên nhân là Thủ tướng Merkel có ý định xem xét cứu trợ ngành ô tô trong dài hạn.
“Chúng ta không thể hỗ trợ ngành ô tô bằng gói cứu trợ truyền thống, ngắn hạn như thế này”, bà Merkel nói. “Với ngành ô tô, đó phải là một gói cứu trợ bao gồm các biện pháp có tầm nhìn tương lai xa. Đây chính xác là những gì chúng tôi muốn nhấn mạnh”.
Trong khi đó, Đức rất chú trọng phát triển xe điện. Theo CNN, Đức đang chi hàng tỷ euro cho các khoản trợ cấp giúp giảm giá xe điện, và đó là một phần của gói kích thích kinh tế khổng lồ có thể giúp các nhà sản xuất ô tô như Volkswagen bán những mẫu xe thân thiện môi trường.
Cụ thể, chính phủ Đức sẽ tăng gấp đôi mức trợ cấp hiện tại lên 6.000 euro (6.720 USD) cho những xe điện có giá tới 40.000 euro (44.800 USD). Như vậy, cộng với những khuyến mãi hiện có của nhà sản xuất, người tiêu dùng mua xe điện tại Đức sẽ được hưởng tổng mức ưu đãi lên tới 9.000 euro (10.080 USD).
Ngoài ra, người mua xe cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế tạm thời xuống 16% từ mức 19%.
Các ưu đãi này là một phần của gói kích thích kinh tế trị giá 130 tỷ euro (145 tỷ USD) được chính phủ Đức phê duyệt vào cuối ngày thứ Tư.
Gói kích thích kinh tế nhằm mục đích giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các khoản trợ cấp cho ô tô điện dự kiến là 2,2 tỷ euro (2,5 tỷ USD), trong khi các nhà sản xuất và nhà cung cấp sẽ nhận thêm 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Bộ trưởng tài chính Đức Olaf Scholz cho biết hỗ trợ xe điện là một phần của chiến lược cải thiện khí hậu. "Mục tiêu của Đức là nhắm đến năng lượng tái tạo, các hoạt động khí hậu cần thiết để có được nền kinh tế không carbon vào năm 2050. Chúng tôi phải bắt đầu ngay bây giờ", ông nói.
Gói kích thích tổng thể lên tới 4% sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước. Kết hợp với chi tiêu và giảm thuế được công bố trước đó, tổng số tiền cứu trợ kinh tế khẩn cấp ở Đức hiện đã đạt tới con số khổng lồ 14% GDP.
Các gói ưu đãi có thể thúc đẩy nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô Đức, bao gồm cả Volkswagen, sản xuất và bán nhiều xe điện hơn. Volkswagen, công ty cũng sở hữu Audi, Porsche, SEAT và Skoda, có kế hoạch chi 33 tỷ euro (37 tỷ USD) cho phát triển xe điện vào năm 2024, mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới bao gồm cơ sở hạ tầng sạc và sản xuất pin.
Volkswagen là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Đức. Công ty sử dụng gần 300.000 lao động ở Đức và vận hành 27 nhà máy ở nước này, bao gồm cả nhà máy lớn nhất thế giới tại Wolfsburg. BMW và Daimler, công ty sở hữu Mercedes-Benz, cũng là những thương hiệu ô tô và nhà cung cấp phụ tùng giúp hình thành nên xương sống công nghiệp ô tô của đất nước.
Doanh số ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã giảm hai năm liền trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, buộc các nhà máy và đại lý ô tô trên toàn thế giới phải đóng cửa. Vì thế, doanh số ô tô đã lao dốc trong năm nay, và có rất ít dấu hiệu phục hồi.
Volkswagen đã mở lại các nhà máy, bao gồm cả nhà máy khổng lồ của mình tại Wolfsburg, nhưng triển vọng thị trường vẫn vô cùng nghiệt ngã. Theo khảo sát mới nhất từ Viện Ifo của Đức, các công ty xe hơi nước này đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Nhu cầu đang thấp hơn bất cứ lúc nào kể từ năm 1991.
Tuy nhiên, xe điện có thể mang đến năng lượng phục hồi. Thị trường xe điện và xe hybrid plug-in châu Âu tăng trưởng 72% trong quý đầu năm 2020, theo công ty nghiên cứu Canalys. Hai loại xe năng lượng mới này hiện chiếm hơn 7% tổng số xe mới được phân phối trên lục địa.
Chris Jones, nhà phân tích chính của lĩnh vực ô tô tại Canalys, cho biết kết quả "ấn tượng" đối với xe điện thậm chí còn tốt hơn nếu không phải bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Trong tương lai, các gói trợ cấp mới của Đức và phiên bản điện của các mẫu xe đã nổi tiếng sẽ giúp xu hướng này tiếp tục.
Theo Reuters, Đức cho biết sẽ buộc tất cả các trạm xăng trên toàn quốc trang bị sạc ô tô điện nhằm giúp loại bỏ mối lo lắng của người đi xe điện, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng với dòng xe này. Tuyên bố của Đức đưa ra sau khi Tổng thống Pháp công bố kế hoạch tăng trưởng doanh số xe điện vào tuần trước.
Tính đến 3/2020, Đức có 27.730 trạm sạc xe điện. Để xe điện phổ biến hơn, cần có ít nhất 70.000 trạm sạc và 7.000 trạm sạc nhanh trên toàn quốc.