Theo trang CNN Business, ông Macron nói rằng đang có khoảng 400.000 ô tô mới tồn kho tại các nhà máy và bãi đỗ ở Pháp, trong khi doanh số bán xe mới tại nước này giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Đến cuối tháng 6, có lẽ chúng ta sẽ có khoảng 500.000 chiếc xe ế ẩm. Đây là thực trạng chưa từng có tiền lệ của ngành ô tô Pháp. Lượng xe tồn tương đương tới gần 16% doanh số toàn ngành”, ông Macron nói với thái độ lo ngại. “Gần 4.000 công ty và 400.000 người lao động trong ngành ô tô bị ảnh hưởng trong đại dịch này. Con số sẽ lớn gần gấp đôi nếu tính tất cả các hoạt động sản xuất và dịch vụ có liên quan”.
Gói cứu trợ ngành ô tô được ông Macron công bố trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất linh kiện xe điện của hãng Valeo ở miền Bắc nước Pháp.
Kế hoạch này sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân mua ô tô mới. Theo đó, Chính phủ sẽ trợ cấp hơn 7.000 USD cho mỗi ô tô điện và 2.000 USD cho mỗi xe hybrid. Paris kỳ vọng cách làm này sẽ lôi kéo được người tiêu dùng đến các đại lý ô tô và mở ví sắm xe.
Không hỗ trợ trên diện rộng, gói giải cứu của Chính phủ Pháp hướng đến đẩy mạnh doanh số xe thân thiện với môi trường, nhằm đưa nước này trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất ở châu Âu sau vài năm nữa. Một phần ngân sách của kế hoạch sẽ được sử dụng để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất của các hãng xe.
Để đổi lấy gói cứu trợ này, ngành ô tô Pháp sẽ phải duy trì hoạt động các nhà máy trong nước, thậm chí chuyển một phần hoạt động sản xuất từ nước ngoài về nước, nhất là những công nghệ thân thiện với môi trường.
Đối với Renault, hãng xe Pháp đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ, gói cứu trợ mà chính quyền ông Macron vừa đưa ra có thể là một “phao cứu sinh”. Sau khi chứng kiến lợi nhuận gần mất trắng trong năm 2019, Renault phải đóng cửa các nhà máy tại Pháp từ giữa tháng 3 đến nay do đại dịch. Theo dự kiến, trong tuần này, hãng sẽ công bố một kế hoạch cắt giảm 2 tỷ Euro chi phí.