Khi đó, 5 tỷ Euro đã được chi ra để thưởng tiền mặt cho người tiêu dùng mang ô tô cũ đi dập và mua xe mới. Nhờ chương trình này, doanh số ô tô Đức phục hồi nhanh, đạt tới ngưỡng cao kỷ lục kể từ khi thống nhất nước Đức. Một số nước châu Âu khác như Anh và Pháp nhanh chóng học theo cách làm của người Đức.
Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến thị trường ô tô châu Âu lao dốc chóng mặt hiện nay, các hãng xe Đức - với uy tín sứt mẻ đáng kể bởi vụ bê bối khí thải “Dieselgate” - dường như khó thuyết phục Thủ tướng Angela Merkel tung ra một gói giải cứu tương tự.
Mặc những lời kêu gọi đầy khẩn cấp từ VDA - tổ chức vận động hành lang hùng mạnh của công nghiệp ô tô Đức - một cuộc điện đàm được đặt rất nhiều kỳ vọng giữa bà Merkel, một số bộ trưởng trong nội các của bà, cùng các sếp lớn của Volkswagen, Daimler và BMW vào hôm 5/5 đã kết thúc mà không đi đến bất kỳ giải pháp nào.
Chính quyền của bà Merkel chỉ cam kết có thêm các cuộc họp để “bàn giải pháp kích thích nền kinh tế”, với một tuyên bố có thể được đưa ra vào đầu tháng 6.
Lãnh đạo ngành ô tô Đức ngay lập tức thể hiện sự thất vọng.
Tổng giám đốc (CEO) Herbert Diess của hãng xe lớn nhất thế giới Volkswagen nhấn mạnh rằng một chương trình thưởng dập xe cũ sẽ mang lại “hiệu quả mạnh mẽ, sâu rộng và ngay lập tức” đối với nền kinh tế Đức, vì chương trình này sẽ tác động lan tỏa đến hàng nghìn nhà cung cấp linh kiện và các đại lý xe.
CEO Ola Kallenius của Daimler thì bày tỏ lo ngại rằng người tiêu dùng sẽ trì hoãn việc mua xe vì có ý chờ một chương trình thưởng dập xe cũ, và điều này sẽ khiến tình trạng của ngành ô tô Đức thêm phần tồi tệ.
Trong khi đó, CEO Oliver Zipse của BMW thừa nhận rằng thuyết phục công chúng Đức về sự cần thiết về một chương trình thưởng dập xe cũ đã trở nên rất khó khăn.
“Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều từ năm 2009 đến nay”, ông Stefan Bratzel, Giám đốc Center of Automotive Management ở Cologne phát biểu. Theo chuyên gia này, do bê bối “Dieselgate”, công chúng Đức đã mất đi nhiều sự tin tưởng vào các hãng xe. Vì lý do này, các chính trị gia khó có thể trợ cấp trực tiếp cho ngành ô tô, cho dù ngành này hỗ trợ gần 3 triệu việc làm ở Đức.
Tuần trước, đoàn chủ tịch đảng cầm quyền CDU của bà Merkel, trong đó có ông Armin Laschet - một ứng viên tiềm năng cho ghế thủ lĩnh đảng - đã “dội một gáo nước lạnh” vào hy vọng của các hãng xe. CDU nói rằng sẽ chỉ đưa ra một “gói kích thích kinh tế tổng thể”, dấu hiệu cho thấy các nhà cầm quyền không muốn hỗ trợ bất kỳ một ngành kinh tế cụ thể nào.
Thông điệp này nhận được sự hưởng ứng của người đứng đầu IG Metall, tổ chức công đoàn lớn nhất của ngành ô tô Đức. Ngoài ra, các tổ chức bảo vệ môi trường ở nước này cũng mở một chiến dịch trên mạng xã hội để phản đối bất kỳ một kế hoạch nào hỗ trợ các hãng xe.
“Sau nhiều năm những mô hình sai trái gây ô nhiễm được dựng lên, tiền thuế của dân không thể được ném vào các hãng xe”, Chủ tịch Olaf Bandt của tổ chức bảo vệ môi trường Bund phát biểu. Theo ông Bandt, thay vì giúp các hãng xe, ngân sách nên được dùng để hỗ trợ kích cầu xe đạp và đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng.
Ngoài ra, công chúng Đức cũng nổi giận khi thấy các hãng xe nước này có kế hoạch chi 5 tỷ Euro để trả cổ tức cho cổ đông trong năm nay, trong khi 200.000 công nhân ngành ô tô bị cắt giảm việc làm trong đại dịch Covid-19 phải sống nhờ tiền trợ cấp của Chính phủ.
Thưởng dập xe cũ không chỉ vấp phải sự phản đối của người dân Đức và các nhà bảo vệ môi trường. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của nước này cho rằng điều kiện thị trường hiện nay không phù hợp với một chương trình kích cầu như vậy, cho dù tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s dự báo thị trường ô tô tại khu vực Tây Âu có thể chứng kiến mức giảm doanh số 30% trong năm 2020.
“Không giống như năm 2009, tiền mua xe không phải là vấn đề vào lúc này”,ông Gabriel Felbermayr, Chủ tịch IfW Institute, phát biểu. “Người tiêu dùng có đủ tiền”.
Ông Felbermayr cũng cho rằng việc chỉ hỗ trợ riêng ô tô điện sẽ đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách “từ bỏ sự trung lập cần thiết”. Xe điện ở Đức hiện đã được hưởng mức trợ cấp 6.000 Euro, nhưng chỉ chiếm 10% tổng doanh số.
Trong lúc tranh cãi tiếp diễn, các hãng xe Đức đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ. Ngày 20/5, Volkswagen xác nhận sẽ phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất vì nhu cầu trên toàn thị trường châu Âu giảm xuống mức thấp.
Các hãng xe Đức đều đang nắm trong tay một lượng tiền mặt dồi dào, đủ dùng trong nhiều tháng. Nhưng họ nói rằng các nhà cung cấp có thể sẽ không trụ được lâu nếu nhu cầu ô tô không hồi phục sớm và Chính phủ không giúp đỡ.
Ngành ô tô vốn là trụ cột của kinh tế Đức, nhưng một cuộc khảo sát của kênh truyền hình ARD thực hiện vào tuần trước cho thấy có tới 63% người Đức phản đối hỗ trợ ngành này.