Hai hãng sản xuất ô tô đến từ Pháp và Nhật Bản vốn dĩ đã chịu áp lực từ sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019. Tình trạng lao dốc của nhu cầu ô tô toàn cầu trong năm 2020 có thể buộc họ phải sát cánh lại để cắt giảm chi phí và chia sẻ gánh nặng của việc đầu tư phát triển ô tô chạy điện.
Liên minh hơn 2 thập kỷ đang lung lay
Theo trang CNN Business, Renault và Nissan liên minh từ năm 1999, theo đó hợp tác với nhau về chiến lược và phát triển sản phẩm, nhưng chưa bao giờ quyết định về một cuộc sáp nhập hoàn toàn. Cùng với đối tác thứ ba là Mitsubishi Motors, liên minh có một không hai của công nghiệp ô tô toàn cầu này sử dụng gần 450.000 lao động. Trong năm 2018, cứ 9 ô tô mới được bán ra trên thế giới thì có khoảng 1 xe là của bộ tam Renault-Nissan-Mitsubishi.
Bước vào thập kỷ thứ ba của liên minh, mối quan hệ giữa Renault và Nissan xấu đi trông thấy. Vụ bắt giữ cựu Chủ tịch Carlos Ghosn - người giữ vai trò “linh hồn” của liên minh - hồi cuối năm 2018 đã mở đường cho một loạt cuộc thay đổi nhân sự lãnh đạo tại cả hai hãng xe. Vì lý do này, chiến lược của cả hai hãng trở nên rối loạn, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng sự liên minh giữa họ có còn cần thiết.
Trong bối cảnh như vậy, Renault đã tham gia đàm phán sáp nhập với một đối thủ ở châu Âu. Tại Bắc Mỹ, tình hình của liên doanh cũng chẳng khá khẩm là mấy, bởi Nissan làm ăn khá tốt ở thị trường này nhưng Renault thì không. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng xoáy vào những câu hỏi về sự khác biệt văn hóa doanh nghiệp giữa hai công ty.
Hồi tháng 1, Nissan và Renault - hai hãng xe có mối ràng buộc nằm ở sự nắm giữ cổ phần chéo lẫn nhau - phủ nhận những đồn đoán cho rằng họ sẽ chấm dứt liên minh. Sau đó, đại dịch ập đến, đẩy cả hai chìm sâu hơn vào khủng hoảng và đặt ra sự cần thiết phải có một cuộc cải tổ cho sự cộng tác giữa họ.
Cải tổ để tồn tại
Theo dự kiến, kế hoạc cải tổ này sẽ được Nissan và Renault trình bày trước công chúng vào ngày 27/5. Tờ Nikkei Asia Review của Nhật Bản dẫn nguồn thạo tin nói rằng Nissan đang chuẩn bị cắt giảm 20% sản lượng xe của hãng trên toàn cầu và đóng cửa một nhà máy ở Barcelona, Tây Ban Nha. Truyền thông Nhật nói Nissan có thể sa thải 20.000 công nhân viên.
Còn theo tờ Financial Times, Renault có thể sẽ dừng việc sản xuất tại Tây Ban Nha hai mẫu xe ăn khách và chuyển việc sản xuất này sang nhà máy của Nissan ở Anh.
Cho tới nay, Renault và Nissan nhìn chung vẫn giữ riêng biệt hoạt động sản xuất của mỗi bên. Việc cùng sản xuất xe tại nhà máy ở Sunderland, Anh có thể là một dấu hiệu cho thấy hai hãng xe đã gác sang bên những khác biệt giữa họ và đang chống chọi với cuộc khủng hoảng bằng cách giúp nhau cắt giảm chi phí.
Trước khi bị bắt, ông Ghosn từng hy vọng sẽ thắt chặt liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi. Ông cũng cho rằng việc ông bị bắt là một âm mưu ở Nissan nhằm ngăn chặn sự củng cố của liên minh này - một cáo buộc mà Nissan phủ nhận.
Theo Nikkei, Renault và Nissan đang xem xét dùng chung các nhà máy khác ở châu Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Chẳng hạn, Nissan có thể bắt đầu sản xuất xe Renault tại nhà máy của Nissan ở Brazil. Hai hãng cũng được cho là muốn gia tăng số linh kiện sử dụng chung cho ô tô mà họ sản xuất ra, đồng thời đẩy nhanh kế hoạch phát triển một nền tảng xe dùng chung.
Việc đẩy mạnh cam kết giữa Nissan với Renault sẽ đánh dấu một thay đổi lớn: cho tới năm ngoái, Renault còn tìm kiếm các biện pháp ngoài liên minh để cắt giảm chi phí, tiến hành đàm phán sáp nhập với Fiat Chrysler. Tuy nhiên, hãng xe Italy-Mỹ đã nhất trí sáp nhập với Peugeot và Citroen.
Thời khắc sống còn của Renault
Renault đã gặp thách thức lớn từ trước khi xảy ra đại dịch. Kết quả kinh doanh năm 2019 của hãn là tệ nhất trong một thập kỷ, với lợi nhuận ròng giảm 99% còn 19 triệu Euro, tương đương 21 triệu USD. Từ đầu năm 2019 đến nay, giá cổ phiếu Renault đã tụt 69%.
Trong tháng 4 vừa qua, doanh số toàn cầu của Renault giảm gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái do đại dịch gây tê liệt thị trường ô tô ở châu Âu và Bắc Mỹ. Hồi giữa tháng 3, Reault phải dừng hoạt động 12 cơ sở sản xuất tại Pháp, và cho tới tháng này mới mở cửa trở lại phần lớn các nhà máy.
Đội ngũ lãnh đạo của Renault cũng trải qua những cuộc thay đổi nhân sự không êm thấm. Ông Thierry Bollore, người kế nhiệm ông Ghosn trên cương vị Tổng giám đốc (CEO) của Nissan, bị cách chức vào tháng 10/2019 - sự kiện mà ông Bollore gọi là “đảo chính”. Người kế nhiệm ông Bollore là ông Luca de Meo phải đến tháng 7/2020 mới chính thức nhậm chức.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cách đây ít ngày cảnh báo trên kênh phát thanh Europe 1 rằng Renault đang ở trong “khó khăn tài chính nghiêm trọng” và hãng xe này “có thể biến mất”.
Chính phủ Pháp hiện nắm 15% cổ phần Renault và đang tiến hành đàm phán một khoản vay 5 tỷ Euro (5,4 tỷ USD) cho hãng xe này, nhưng ông Le Maire chưa phê chuẩn. Vị Bộ trưởng nói rằng để được vay số tiền này, Renault không được đóng cửa một nhà máy ở phía Bắc Paris.
“Chúng tôi chỉ ký khi chúng tôi biết rõ chiến lược của Renault”, ông Le Maire nói với Europe 1. Một điều kiện mà Chính phủ Pháp đưa ra là Renault phải dịch chuyển theo hướng sản xuất thêm những mẫu xe thân thiện với môi trường, nhất là ô tô chạy điện.
Về phần mình, Nissan cũng đang ngập trong kết quả kinh doanh bết bát, với lợi nhuận đã giảm liền 4 quý. Trong quý 3 năm ngoái, lợi nhuận hoạt động của hãng giảm 83% so với cùng kỳ năm trước, còn 504 triệu Yên. Báo cáo tài chính quý 1/2020 sẽ được Nissan công bố vào ngày 28/5.