Liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi gặp khó đủ đường

Phương Vy

35% lợi nhuận cả năm của Nissan có thể bị “thổi bay” bởi dịch Covid-19, đặt ra sức ép tài chính nghiêm trọng với liên minh vốn dĩ đã lung lay giữa Nissan với Renault và Mitsubishi.

Ảnh minh họa - Ảnh: Nikkei.
Ảnh minh họa - Ảnh: Nikkei.

Theo tờ Financial Times, các nhà phân tích dự báo đợt sụt giảm doanh số ô tô tại Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Corona có thể khiến liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi, nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, phải đẩy mạnh sa thải, đóng cửa thêm nhà máy và bán bớt tài sản nhằm củng cố sự hợp tác đã kéo dài 21 năm. Những biện pháp mạnh tay như vậy có khả năng sẽ được đưa ra trong chiến lược tái cơ cấu mà liên minh này dự kiến công bố vào tháng 5 năm nay.

“Chúng tôi đang ở vào một thời điểm mà thách thức đối với liên minh thực sự rất lớn”, ông Jean-Dominique Senard, Chủ tịch Renault và một thành viên Hội đồng Quản trị Nissan, phát biểu. “Ba công ty sẽ phải đưa ra chiến lược nhất quán. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải thống nhất được một chiến lược như vậy trong thời gian từ nay tới tháng 5”.

“Chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định cứng rắn, và nếu không làm được điều đó, chúng tôi sẽ phải giải quyết hậu quả”, ông Senard nói thêm.

Như vậy, Nissan-Renault-Mitsubishi sẽ có thời gian 2 tháng để hoàn thành chiến lược cho 3 năm tới. Thành công của chiến lược này sẽ tùy thuộc vào việc liên minh có thể chấm dứt cuộc chiến nội bộ - một nhân tố khiến giá cổ phiếu của Nissan và Renault sụt giảm thảm hại kể từ khi cựu Chủ tịch Carlos Ghosn bị cách chức vào năm 2018.

Theo nguồn tin nội bộ từ Nissan và Renault, một “bài kiểm tra” quan trọng đối với liên minh sẽ là việc ba hãng xe có thể giải quyết cuộc tranh cãi xung quanh một ngân hàng ở Nga hay không. Ngân hàng có tên RN Bank này là một liên doanh giữa Nissan-Renault-Mitsubishi với ngân hàng UniCredit của Italy, trong đó liên minh ba hãng xe nắm 60% cổ phần và UniCredit nắm phần còn lại.

Do tình hình tài chính xuống dốc trong 2 năm qua, cả Nissan và Renault đều muốn giành quyền gộp kết quả kinh doanh của RN Bank - vốn đang làm ăn khá tốt - vào kết quả kinh doanh của mình, theo nguồn tin.

Trong số các hãng xe toàn cầu, Nissan là một trong những hãng đối mặt rủi ro lớn nhất từ dịch Covid-19 do hãng này có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn linh kiện từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh doanh số Nissan sa sút nghiêm trọng tại Mỹ và nhiều thị trường khác, thị trường Trung Quốc đóng góp tới 70% lợi nhuận hoạt động và 30% doanh số của hãng trong các quý 2, 3, và 4 của năm 2019.

Một báo cáo của ngân hàng Citigroup cảnh báo rằng sự sụt giảm doanh số ở Trung Quốc do dịch Corona có thể khiến Nissan mất 35% lợi nhuận ròng trong tài khóa 2020-2021. Dự báo này được đưa ra trên giả thiết 4 nhà máy của Nissan ở Trung Quốc, trong đó có 3 nhà máy đặt gần tâm dịch Vũ Hán, không hoạt động bình thường trở lại sau 2 tháng nữa. Từ tháng 2 đến nay, Nissan đã tạm ngừng hoạt động 3 nhà máy này vì mối lo dịch bệnh.

Ngoài ra, tình trạng khan hiếm linh kiện trên phạm vi toàn cầu do dịch Corona cũng khiến Nissan trở thành một trong những hãng xe toàn cầu đầu tiên phải cắt giảm sản xuất tại quê nhà.

Mối bận tâm lớn nhất của nhà đầu tư vào thời điểm này là dịch bệnh có thể làm suy giảm khả năng tạo dòng tiền của Nissan. Trong một ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều vốn như ngành ô tô, việc đầu tư vào các nhà máy và công tác nghiên cứu phải diễn ra liên tục mới mong giữ được khả năng cạnh tranh.

Từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Nissan đã chứng kiến lượng tiền mặt của công ty sụt giảm nhanh chóng vì doanh số sa sút, chi phi tốn kém cho các biện pháp tái cơ cấu như cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy, và đầu tư vào các công nghệ mới như xe điện và xe không người lái.

Lãnh đạo ba hãng xe Nissan, Renault và Mitsubishi tại một cuộc họp của liên minh vào tháng 3/2019 - Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo ba hãng xe Nissan, Renault và Mitsubishi tại một cuộc họp của liên minh vào tháng 3/2019 - Ảnh: Reuters.

Ông Rakesh Kochhar, Phó chủ tịch cấp cao của Nissan, giữ quan điểm rằng “thanh khoản không phải là một vấn đề” đối với hãng ở thời điểm hiện tại vì Nissan vẫn có trong tay 13 tỷ USD tiền mặt và có thể tiếp cận với các nguồn vốn khác.

Tuy nhiên, trong vòng 3 quý tính đến hết năm 2019, dòng tiền từ mảng ô tô của Nissan là âm 6,4 tỷ USD và lượng tiền mặt ròng giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Chính điều này đã buộc Nissan phải hủy kế hoạch trả cổ tức cuối năm.

Sự tụt dốc của Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, có thể sẽ làm mất đi một “tấm nệm” tiền mặt quan trọng của Nissan là liên doanh giữa hãng này với hãng Dongfeng Motor. Liên doanh Nissan-Dongfeng đặt ở Vũ Hán, nơi bắt nguồn của Covid-19 và là ổ dịch lớn nhất thế giới loại virus này.

Đối với Renault, sự thiếu vắng dòng tiền từ Nissan - nhân tố vốn hậu thuẫn những đợt trả cổ tức hậu hĩnh ở hãng xe Pháp nhiều năm qua - khiến tình hình thêm phần tồi tệ. Tháng 2 vừa qua, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Renault xuống ngưỡng “rác” (junk - hạng không khuyến nghị đầu tư).

Renault phủ nhận đánh giá cho rằng hãng đang gặp vấn đề về trạng thái tiền mặt. Vào tháng 2, Tổng giám đốc (CEO) lâm thời của Renault, bà Clotilde Delbos, nói với các nhà phân tích rằng “chúng tôi không hề ở trong tình trạng tuyệt vọng”, nhấn mạnh lượng 16 tỷ Euro tiền mặt và hạn ngạch tín dụng mà hãng có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Nguồn thạo tin tiết lộ rằng, mặc nhu cầu huy động tiền mặt, các nhân vật cấp cao tại Renault đến nay vẫn bác bỏ những ý tưởng như bán bớt cổ phần trong hãng bảo hiểm ô tô RCI, hãng xe Nissan hoặc hãng xe Daimler. Renault hiện nắm 3,1% Daimler.

Theo dự kiến, Nissan sẽ tung 8 mẫu xe mới tại Mỹ - thị trường lớn thứ nhì của hãng sau Trung Quốc - trong vòng 2 năm tới nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự phục hồi sẽ đòi hỏi thời gian.

Theo Financial Times

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.