“Bộ tam” này đã rơi vào tình trạng bế tắc về quản lý và suy giảm lợi nhuận nhanh chóng kể từ khi “linh hồn” của liên minh là Tổng giám đốc (CEO) Carlos Ghosn của Nissan bị bắt vì cáo buộc gian lận tài chính.
Trong một tuyên bố ngày 30/1 sau cuộc họp diễn ra ở Nhật Bản, liên minh cho biết sẽ công bố kế hoạch trung hạn vào khoảng tháng 5 năm nay, đồng thời khẳng định việc giữ vững liên minh có vai trò sống còn đối với tăng trưởng của cả ba hãng. Theo dự kiến được đưa ra, Nissan sẽ “đứng mũi chịu sào” ở thị trường Trung Quốc, Renault phụ trách thị trường châu Âu, và Mitsubishi tập trung nỗ lực ở thị trường Đông Nam Á. Ngoài ra, mỗi công ty sẽ dẫn đầu việc phát triển một công nghệ chủ chốt.
“Tình hình kinh doanh của chúng tôi hiện nay không được như kỳ vọng”, CEO Makoto Uchida của Nissan phát biểu trước các nhà báo sau cuộc họp. Sự thừa nhận này được đưa ra trùng hợp với thời điểm ngành công nghiệp ô tô toàn cầu rơi vào suy thoái và đối mặt với một thách thức hoàn toàn mới là dịch viêm phổi do virus corona bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng toàn cầu.
Năm ngoái, liên minh ô tô Pháp-Nhật này thiếu chút nữa thì sụp đổ sau khi ông Ghosn bị bắt ở Nhật Bản. Số liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy tổng doanh số xe của liên minh trong năm 2019 sụt giảm mạnh, khiến nhóm bị tụt xuống vị trí thứ ba trong xếp hạng doanh số toàn cầu, sau Volkswagen và Toyota.
Cuộc họp ngày 30/1 là cuộc họp đầu tiên của lãnh đạo cấp cao ba hãng kể từ khi ông Ghosn đào tẩu khỏi Nhật Bản sang Lebanon hồi cuối tháng 12 và Renault bổ nhiệm CEO mới.
Nissan-Renault-Mitsubishi bán được tổng cộng 10,2 triệu xe trong 2019, giảm 5,6% so với 2018, so với mức 10,7 triệu xe của Toyota và 10,9 triệu xe của Volkswagen. Đây là lần đầu tiên liên minh bị Toyota vượt lên kể từ năm 2016. Trong khi doanh số của liên minh giảm, doanh số của Toyota tăng 1,4% và doanh số Volkswagen tăng 1,3%.
“Tất cả chúng tôi đều cảm nhận được sự cấp bách”, Chủ tịch Renault, ông Jean-Dominique Senard, nói với các nhà báo. Theo ông Senard, cuộc họp vừa rồi được tổ chức để ba hãng đánh giá kỹ lưỡng về tình hình hiện nay và thảo luận biện pháp cải thiện liên minh.
Vị Chủ tịch hãng xe Pháp xem việc hàn gắn các vết rạn trong liên minh là một ưu tiên hàng đầu, đồng thời cho biết đội ngũ lãnh đạo mới tại Nissan đã có nhiều nỗ lực cải thiện quan hệ trong liên minh. Trước đó, việc ông Ghosn bị bắt và bị cách chức CEO Nissan cũng như chức Chủ tịch cả ba hãng xe đã làm lộ ra những căng thẳng âm ỉ bấy lâu xung quanh mối quan hệ sở hữu chéo giữa Renault và Nissan.
Đến thời điểm hiện tại, Nissan chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ bỏ qua vụ Ghosn, thề sẽ có hành động pháp lý chống lại vị sếp cũ này. Là thành viên lớn nhất và lãi nhiều nhất của liên minh, nhưng Nissan rất có thể sẽ bị phân tán khỏi những nỗ lực nhằm vực dậy liên minh một khi lãnh đạo hãng dồn tâm sức cho cuộc chiến với ông Ghosn.
“Nissan vốn đã có nhiều vấn đề ở mảng hoạt động chủ chốt, và việc tập trung vào đấu đá với Ghosn đang là một mối phân tâm lớn đối với ban lãnh đạo hãng”, nhà phân tích Christopher Richter thuộc công ty CLSA nhận định.
Giá cổ phiếu Nissan đã giảm khoảng 40% kể từ khi ông Ghosn bị bắt vào tháng 11/2018, khiến giá trị vốn hóa thị trường của hãng “bốc hơi” 1,74 nghìn tỷ Yên, tương đương 16 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Renault giảm khoảng 45%, tương đương giảm 8,5 tỷ Euro (9,4 tỷ USD) giá trị vốn hóa.
Việc phục hồi doanh số tại hai thị trường Mỹ và Nhật Bản được xem là rất cấp bách đối với liên minh, vì thị trường ô tô lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang phải đương đầu với dịch cúm corona sau hai năm suy giảm doanh số liên tiếp.
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 28% doanh số toàn cầu của Nissan. Trong khi đó, dịch cúm nguy hiểm hiện nay bắt nguồn từ tỉnh Hồ Bắc, một trung tâm của nền công nghiệp ô tô Trung Quốc, với nhiều nhà máy lắp ráp của các hãng xe nước ngoài như Nissan, Honda, Peugeot, và General Motors (GM).
“Nissan có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc”, nhà phân tích Tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence nhấn mạnh. “Trung Quốc là một nguồn lợi nhuận quan trọng của Nissan. Hoạt động của Nissan tại các thị trường khác có rất ít lãi”.
Tại thị trường quê nhà của Nissan là Nhật Bản, các nhà phân phối cho biết vụ bê bối của ông Ghosn đã làm sứt mẻ hình ảnh và gây suy giảm doanh số của hãng.
Các nhà phân phối xe ở Mỹ thì muốn Nissan khép lại câu chuyện tồi tệ về Ghosn và tập trung vào việc xây dựng lại hoạt động tại thị trường này. Trước đây, Nissan kinh doanh rất tốt ở Mỹ, nhưng hoạt động của hãng tại Mỹ giờ đang tụt dốc nghiêm trọng.
“Khách hàng nào tới chỗ chúng tôi cũng phải đề cập đến Ghosn”, ông Rhett Ricart, chủ một công ty phân phối xe Nissan ở Columbus, Ohio, phàn nàn.
Năm nay, Nissan dự kiến tung ra một loạt mẫu xe mới để làm mới những dòng sản phẩm lâu năm nhất, bao gồm một bản mới của chiếc SUV cỡ nhỏ Rouge - một mẫu xe bán chạy của hãng.