Dự báo này được ông Ghosn đưa ra trong một cuộc trao đổi kéo dài 10 giờ đồng hồ với luật sư Nobuo Gohara trước khi bỏ trốn sang Lebanon. Vụ đào tẩu ly kỳ của ông Ghosn diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2019, trong lúc ông đang bị quản thúc tại gia để chờ ngày hầu tòa ở Nhật Bản.
Thông tin trên được ông Gohara tiết lộ trong một cuộc trò chuyện với báo giới tại Tokyo ngày 22/1. Vị luật sư nói rằng cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) của Nissan và Renault đã dự báo như vậy vào cuối năm ngoái, không lâu trước khi đào tẩu.
“Ông ấy nói với tôi rằng Nissan có thể phá sản trong vòng 2-3 năm”, ông Gohara nói tại cuộc họp báo về những cuộc trao đổi giữa ông với ông Ghosn. Theo lời ông Gohara, ông Ghosn không đưa ra lý do chi tiết vì sao Nissan sẽ gặp khó khăn tới mức phá sản.
Nissan đối mặt thách thức kể từ khi ông Ghosn bị bắt vào năm 2018 vì những cáo buộc gian lận tài chính. Tình hình trở nên phức tạp hơn sau khi ông Ghosn đào tẩu sang Lebanon.
Hãng xe có trụ sở ở Yokohama, Nhật Bản này hiện đang chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh tại hai thị trường lớn là Trung Quốc và châu Âu, buộc hãng phải cắt giảm dự báo lợi nhuận và doanh số cho năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2020. Nissan cũng cho biết sẽ cắt giảm 12.500 nhân viên trên toàn cầu.
Luật sư Gohara cho biết đã gặp và phỏng vấn ông Ghosn tất cả 5 lần trong vòng 2 tháng trước khi ông này bỏ trốn. Mục đích của các cuộc phỏng vấn này là để viết một cuốn sách dự kiến xuất bản trước khi ông Ghosn hầu tòa. Cuộc gặp cuối cùng giữa ông Gohara với ông Ghosn diễn ra chỉ 2 ngày trước khi ông Ghosn trốn sang Beirut.
Ông Gohara nói rằng ông đã có sự cho phép của ông Ghosn để tiết lộ thông tin về các cuộc nói chuyện giữa họ.
Ông Ghosn, 65 tuổi, mới đây đã có một cuộc họp báo ở Beirut để nói về lý do ông trốn khỏi Nhật. Tại cuộc họp báo, ông Ghosn nói ông bỏ trốn vì cho rằng mình sẽ không có được một cuộc xét xử công bằng và nhanh chóng ở Nhật.
Ông Ghosn, một nhân vật có tiếng tăm lừng lẫy trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, đang đối mặt nhiều cáo buộc gian lận tài chính, bao gồm báo cáo không trung thực về thu nhập và bội tín. Ở cáo buộc bội tín, cơ quan công tố Nhật Bản cho rằng ông Ghosn đã đẩy cac khoản thua lỗ cá nhân sang cho Nissan và sử dụng tiền của công ty cho mục đích của bản thân và gia đình ông.
Ghosn cho rằng ông là nạn nhân của một âm mưu nhằm loại bỏ ông vì ông muốn sáp nhập Nissan với Renault. Mitsubishi là thành viên thứ ba trong liên minh ô tô này.
“Nissan và cơ quan công tố đã bắt tay để mở một vụ án hình sự chống lại Ghosn”, ông Gohara nói tại cuộc họp báo.
Ông Ghosn đã có 130 ngày bị tạm giam trong một nhà tù ở Tokyo và sau khi được bảo lãnh tại ngoại, ông đã bỏ trốn khỏi Nhật Bản - đất nước nơi cơ quan công tố gần như chưa bao giờ bị thua trong bất kỳ vụ án nào. Trước khi bỏ trốn, ông Ghosn bị quản thúc tại gia với những điều kiện ngặt nghèo, bao gồm không được liên lạc với vợ và chỉ được phép sử dụng máy tính tại văn phòng luật sư.