Động thái này diễn ra sau khi Renault công bố kết quả kinh doanh tệ nhất một thập kỷ và dự báo tỷ suất lợi nhuận sụt giảm trong 2020.
Moody’s cắt giảm định hạng tín nhiệm của Renault một bậc, xuống mức Ba1 - thấp hơn một bậc so với hạng khuyến nghị đầu tư (investment grade). Trái phiếu phát hành bởi những tổ chức có điểm tín nhiệm không nằm trong khung khuyến nghị đầu tư được gọi là trái phiếu “rác” (junk bond - trái phiếu không được khuyến nghị đầu tư).
Điểm tín nhiệm của một nhà phát hành trái phiếu được xem là căn cứ quan trọng để giới đầu tư đưa ra quyết định mua trái phiếu đó hay không. Những nhà phát hành có điểm tín nhiệm càng cao, thì lãi suất phải trả khi vay nợ trên thị trường trái phiếu sẽ càng thấp, và ngược lại.
Một tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu khác là Standard & Poor’s hiện vẫn dành cho Renault điểm tín nhiệm ở cuối khung khuyến nghị đầu tư.
“Dựa trên dự báo của Renault về kết quả kinh doanh năm 2020 - với tỷ suất lợi nhuận được cho là tiếp tục giảm và thị trường tiếp tục đi xuống - chúng tôi không cho rằng Renault sẽ lập lại được tỷ suất lợi nhuận lành mạnh trong trung hạn”, tuyên bố ngày 18/2 của Moody’s có đoạn viết.
Động thái của Moody’s làm gia tăng thêm những thách thức mà Renault phải đương đầu. Trong năm 2019, hãng chứng kiến doanh số tụt dốc thảm hại tại các thị trường chủ chốt và mối quan hệ liên minh rạn nứt với Nissan.
Tại một cuộc họp báo ngày 18/2, quyền Tổng giám đốc (CEO) của Renault, bà Clotilde Delbos cho biết hãng sẽ tiến hành rà soát tài sản tại thị trường Trung Quốc và xem xét khả năng đóng cửa bớt một số nhà máy để kiểm soát chi phí.
Liên minh Renault-Nissan trở nên lung lay kể từ khi ông Carlos Ghosn, CEO của cả hai công ty và là người đứng đầu liên minh này, bị bắt vào cuối năm 2019 ở Nhật Bản vì các cáo buộc gian lận tài chính. Cùng với sự suy giảm nói chung của công nghiệp ô tô toàn cầu, quan hệ xấu đi giữa hai hãng càng khiến kết quả kinh đoanh của Renault và Nissan thêm phần bết bát.
Cũng tại cuộc họp báo ngày 18/2, bà Delbos cho biết Renault hiện còn khoảng 16 tỷ Euro, tương đương 17,3 tỷ USD, tiền mặt.
“Chúng tôi rất tin tưởng rằng trong nội bộ công ty, lượng tiền mặt không phải là một chủ đề gây lo lắng. Chúng tôi có đủ tiền mặt để giải quyết các nhu cầu về vốn”, bà nói.
Do kết quả kinh doanh yếu kém, Nissan mới đây tuyên bố hủy kế hoạch trả cổ tức hàng năm, và đây là một cú sốc tài chính đối với Renault - cổ đông nắm giữ 43% Nissan. Cách đây ít hôm, Renault tuyên bố sẽ giảm 2/3 cổ tức.
Moody’s hiện dành cho Nissan điểm tín nhiệm A3, cao hơn 4 bậc so với ngưỡng “rác”.
Renault hiện đang gánh số nợ trái phiếu 6,4 tỷ Euro, trong đó có 531 triệu USD đáo hạn vào tháng 7/2020.
Trong báo cáo công bố ngày 14/2, Renault cho biết lợi nhuận ròng của hãng trong năm 2019 chỉ đạt 19 triệu Euro, tương đương 21 triệu USD, giảm đến 99% so với năm liền trước. Năm 2018, lợi nhuận ròng của Renault đạt đến 3,5 tỷ Euro, tương đương 3,8 tỷ USD. Đây là kết quả kinh doanh tệ nhất của Renault kể từ năm 2009 - giai đoạn cao điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cung trong báo cáo này, Renault dự báo doanh thu năm 2020 hầu như không tăng so với 2019 và tỷ suất lợi nhuận thuần từ sản xuất kinh doanh đạt 3-4%, so với mức 4,8% trong 2019 và 6,3% trong 2018.