Câu chuyện bắt đầu từ khi hình ảnh bảng táp-lô của mẫu crossover Kia Seltos phiên bản Deluxe thu hút nhiều lượt xem và trở thành đề tài bàn tán rầm rộ trên mạng xã hội. Đa số người tiêu dùng đều "không thể tin được" đã là năm 2020 rồi mà vẫn có một mẫu xe trang bị màn hình kích cỡ khiêm tốn đến như vậy.
Tất nhiên các khách hàng Việt lập tức "giãy nảy" và "kêu oai oái" vì sự cắt giảm quá nặng tay này. Tuy nhiên cái gì cũng có lý do của nó: Kia Seltos phiên bản Deluxe sở hữu khối động cơ Kappa dung tích 1.4L có turbo.
Kết hợp cùng với hộp số ly hợp kép 7 cấp và hệ dẫn động cầu trước, hệ thống này cho ra sức mạnh 138 mã lực và lực kéo mô-men xoắn có thể đạt mức 242 Nm, tương tự như trên phiên bản Premium cao cấp nhất.
Để không phải cắt giảm động cơ - hộp số và giữ nguyên các tính năng vận hành (3 chế độ lái và 3 chế độ kiểm soát lực kéo) như trên phiên bản cao cấp nhất, Thaco buộc phải cắt giảm các option tiện nghi khác trong xe.
Nhằm đạt được mức giá khởi điểm chỉ từ 589 triệu đồng cho Kia Seltos bản Deluxe, thì việc màn hình trên phiên bản thấp cấp bị cắt giảm là hoàn toàn có thể hiểu được. Thậm chí nhiều người tiêu dùng còn cho rằng đây là một điểm cộng.
Thaco hoàn toàn có thể cung cấp một màn hình tiêu chuẩn với kích thước lớn hơn. Nhưng thay vì mua một chiếc Kia Seltos với màn hình "xịn xò" với giá đắt hơn, người dùng hoàn toàn có thể mua xe về rồi sau đó nâng cấp, hoặc mua thêm tuỳ chọn màn hình lớn ngay tại đại lý Kia.
Như vậy thì rốt cục những khách hàng nào chỉ muốn mua một chiếc Kia Seltos với chi phí tiết kiệm nhất, thì vẫn được đáp ứng còn người tiêu dùng nào thích hưởng thụ màn hình lớn thì hoàn toàn có thể sở hữu xe như ý muốn. Với cách làm này của Thaco, khách hàng lại được linh hoạt hơn trong việc lựa chọn xe theo nhu cầu.
Đó chỉ là một hiện tượng trên mạng xã hội. Ở chiều ngược lại, tân binh Corolla Cross đã được giới thiệu tại Việt Nam như một "Toyota hoàn toàn khác". Mẫu crossover Nhật Bản sở hữu ngoại thất trẻ trung mướt mát không điểm chết.
Nội thất đầy đủ tiện nghi, danh sách option dài đến mức nhiều mẫu xe Hàn Quốc khác cũng phải "phát hờn vì ghen tị". Đặc biệt, Toyota Corolla Cross còn được trang bị tuỳ chọn động cơ Hybrid và gói công nghệ an toàn chủ động Toyota Safety Sense.
Công nghệ Hybrid thì không quá xa lạ đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Nó đã có mặt trên những mẫu xe sang như Lexus hoặc Volvo. Tuy nhiên để đưa công nghệ động cơ lai điện này lên những mẫu xe phổ thông với mức giá rất dễ tiếp cận - dưới một tỷ đồng - thì Toyota Corolla Cross là người tiên phong.
Nếu đem Corolla Cross ở thị trường Việt Nam đi so sánh với thị trường Thái Lan, ta có thể thấy: phiên bản 1.8 G thấp cấp nhất dành cho nước ta được ưu ái hơn với ghế lái chỉnh điện 8 hướng và cảnh báo áp suất lốp. Trong khi đó phiên bản 1.8 HV cao cấp nhất ở Việt Nam chỉ thua kém thị trường Thái duy nhất tính năng đá cốp, mà giá bán cũng chỉ chênh chưa tới 20 triệu đồng.
Như vậy có thể tạm kết luận rằng Toyota gần như đã "lột xác" với Corolla Cross mới. Xe lại được đem về Việt Nam chỉ đúng một tháng sau khi ra mắt thị trường toàn cầu. Đây là một tốc độ ra xe đáng nể và khá "lạ lẫm" đối với một hãng có truyền thống đủng đỉnh như Toyota.
Hai góc nhìn vừa rồi có lẽ đủ để cung cấp cho quý vị một cái nhìn đa chiều về thị trường ô tô tại Việt Nam: Xe Hàn hoàn toàn có thể "ép cân" cắt giảm mạnh option, nhằm đổi lại một mức giá dễ tiếp cận người tiêu dùng. Trong khi đó xe Nhật lại xuất hiện "nhanh như chớp" với mức giá cạnh tranh, ngoại hình long lanh và công nghệ ngập tràn.
Người tiêu dùng vẫn là đối tượng hưởng lợi cuối cùng từ sự cạnh tranh giữa các hãng xe.
Quy luật thị trường không "tha" một ai, xe Hàn có thể thiếu còn xe Nhật có thể đẹp. Nhưng rồi tất cả những mẫu xe này liệu có bán tốt hay không ? - Câu hỏi này vẫn còn phải chờ người tiêu dùng trả lời trong nửa cuối năm 2020. Nhưng dù các hãng xe có xoay sở theo chiều nào để cạnh tranh đi chăng nữa, thì người hưởng lợi cuối cùng vẫn là các khách hàng Việt.