Tháng 4 vừa qua là tháng đầu tiên mà doanh số xe điện ở Trung Quốc đi xuống trong khi doanh số của toàn thị trường ô tô nước này vẫn tăng trưởng. Số xe chạy động cơ đốt trong bán được ở Trung Quốc tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4, chấm dứt chuỗi 21 tháng giảm liên tiếp. Tuy nhiên, doanh số xe điện giảm 27% - một sự đảo ngược ở phân khúc luôn có sự tăng trưởng mạnh hơn, hoặc có giảm cũng giảm ít hơn, so với toàn thị trường nói chung cho tới tận năm nay.
Nỗi lo của Chính phủ Trung Quốc
Nhu cầu xe điện sụt giảm là một mối lo đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người ủng hộ sự phát triển của xe điện với hy vọng đưa nước này trở thành một cường quốc thế giới về loại phương tiện giao thông thế hệ tiếp theo. Đây cũng là một thách thức đối với Tesla và các hãng xe khác vốn đang đầu tư mạnh vào sản xuất xe điện với sự đặt cược lớn vào thị trường Trung Quốc.
Các đại lý ô tô cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường xe điện thay đổi. “Sau dịch, người tiêu dùng cảm thấy cần có cảm giác chắc chắn. Họ muốn một chiếc xe mà họ có thể tin tưởng”, ông Ma Qiang, chủ một đại lý xe ở thành phố Thẩm Quyến, cho hay. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng muốn tìm đến với những thương hiệu xe quen thuộc, những chiếc ô tô động cơ đốt trong - ông Ma lý giải. Đại lý của ông bán xe điện được sản xuất bởi BYD và BAIC, hai hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu doanh số 2 triệu ô tô điện trong năm nay, nhưng giới phân tích cho rằng sẽ chỉ có 1,1 triệu ô tô điện được bán ở nước này trong 2020, giảm khoảng 10% so với 2019.
Giới chức Trung Quốc không hề nản chí. Dù mục tiêu doanh số xe điện năm nay đã trở nên ngoài tầm tay, Bắc Kinh vẫn nâng một mục tiêu khác cho xe điện lên mức cao hơn: thay vì xe điện chiếm 20% tổng doanh số ô tô ở Trung Quốc vào năm 2025, con số này đã được nâng lên 25%. Các nhà lãnh đạo cấp ao nhất của Trung Quốc cũng liên tục khẳng định quyết tâm đưa ô tô điện trở thành một phương tiện giao thông dòng chính.
Trong bài phát biểu mới đây tại kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường nói Chính phủ sẽ tăng cường hiểu biết của người dân về ô tô điện và xây thêm các trạm xạc. Hiện nay, các trạm xạc ô tô điện chủ yếu tập trung tại một vài thành phố lớn với cơ sở hạ tầng phát triển.
Trao đổi với báo giới đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miao Wei, nói rằng Chính phủ sẽ đưa ra chính sách khuyến khích mới đối với những người đổi xe chạy xăng dầu sang xe điện, đồng thời khuyến khích các địa phương dùng xe điện làm xe công.
Xe điện khó kích cầu?
Mặc dù vậy, những nỗ lực kích cầu ô tô điện có thể “chìm nghỉm” giữa chiến dịch hỗ trợ toàn thị trường ô tô nói chung của Trung Quốc. Thị trường ô tô lớn nhất thế giới này đã tụt dốc kể từ cuối 2018 và gần đây càng trở nên u ám hơn do Covid-19.
Thượng Hải và một số thành phố lớn khác trước đây đã tìm cách hạn chế doanh số xe chạy động cơ đốt trong với mong muốn cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và nạn tắc đường. Nhưng giờ đây, cũng chính những thành phố này lại nới các hạn chế đó để giúp các hãng ô tô bán được nhiều xe hơn. Ngoài ra, nhiều hãng xe đang mạnh tay giảm giá bán các mẫu xe cũ, các đại lý thậm chí bán xe với mức giá lỗ để giảm lượng hàng tồn kho.
Đợt giảm chóng mặt của giá dầu thế giới năm nay còn khiến người tiêu dùng Trung Quốc mất đi một lý do để mua xe điện, bởi giá xăng ở nước này đã giảm 1/3.
Trước đây, Trung Quốc là nước đi đầu thế giới về tốc độ phổ biến của ô tô điện, nhưng doanh số xe điện ở nước này trong 2019 giảm 5%, trái ngược với mức tăng 10% của thị trường ô tô điện toàn cầu.
Thị trường ô tô điện Trung Quốc bắt đầu đi xuống từ tháng 6 năm ngoái, khi Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp cho người mua xe điện. Lo ngại trước sự suy giảm này, Chính phủ Trung Quốc sau đó lại hứa sẽ gia hạn trợ cấp xe điện cho tới hết năm 2022, thay vì chấm dứt trong năm nay. Nhưng các khoản trợ cấp vẫn đang giảm dần, không còn tạo ra được sức hút lớn đối với người tiêu dùng như trước.
Vào năm 2018, mỗi chiếc ô tô điện bán ra ở Trung Quốc có thể được trợ giá tới 13.000 USD, nghĩa là người tiêu dùng chỉ phải bỏ ra một số tiền ít hơn 13.000 USD so với giá niêm yết của chiếc xe. Nhưng mức trợ cập hiện nay đã thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, hãng xe điện Mỹ Tesla mới đây tuyên bố giảm giá mẫu Model 3 sản xuất tại Trung Quốc xuống dưới mức 300.000 Nhân dân tệ (khoảng 42.000 USD) để được hưởng khoản trợ cấp 2.800 USD cho mỗi xe bán ra.
Cung xe điện sẽ vượt cầu?
Trong khi đó, hàng chục mẫu xe điện mới dự kiến sẽ xuất hiện tại các đại lý ô tô ở Trung Quốc trong mấy năm sắp tới.
Ông Robin Zhu, nhà phân tích thuộc Sanford C. Bernstein ở Hồng Kông, nhận định rằng Chính phủ Trung Quốc và các hãng xe đang cố gắng chống lại sự thờ ơ của người tiêu dùng Trung Quốc với ô tô điện. “Người tiêu dùng không quan tâm gì đến xe điện”, ông Zhu nói.
Các đại lý xe cũng thừa nhận rằng doanh số ô tô điện ở Trung Quốc vốn được nâng đỡ bởi nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ đi lại. Chẳng hạn như ở Thẩm Quyến, nơi xe taxi chủ yếu là xe điện, khách tư nhân chỉ chiếm khoảng 1/10 số xe điện được bán ra - theo ước tính của ông Ma. Và nhu cầu mua ô tô điện của các công ty cũng bắt đầu giảm từ năm ngoái khi các khoản trợ cấp bị cắt giảm, nhà kinh doanh ô tô này cho hay.
Với ngân sách khoảng 25.000 USD, Li Zhekun, 27 tuổi, đi mua ô tô lần đầu tiên trong đời. Li nói sẽ không mua xe điện vì thương hiệu xe điện mà anh tin tưởng là Tesla có giá đắt hơn số tiền anh có. “Nhiều người ở đây từng vội mua xe điện”, anh chàng người Bắc Kinh nói. “Nhưng tôi thà mua một chiếc xe truyền thống mà ai cũng biết rõ về chất lượng”.
Như đã đề cập ở trên, sự thờ ơ của người tiêu dùng là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất ô tô điện ở Trung Quốc. General Motors (GM), Toyota, và nhiều hãng khác có kế hoạch tung ra tổng cộng hàng chục mẫu xe điện trong năm nay và những năm sắp tới tại thị trường này. Tesla đặt mục tiêu sản xuất 4.000 chiếc Model 3 tại nhà máy ở Thượng Hải từ giữa năm nay và tiếp tục tăng công suất nhà máy để bắt đầu sản xuất mẫu Model Y từ năm tới.
Hiện chưa rõ nhu cầu của thị trường Trung Quốc có phục hồi đủ nhanh để hấp thụ hết lượng xe điện lớn như vậy.
“Việc Tesla vào Trung Quốc có thể giúp mở rộng thị trường bán lẻ ô tô điện, tạo ra một hình ảnh sản phẩm tốt hơn đối với người tiêu dùng và gia tăng sự chấp nhận nói chung đối với xe điện”, chuyên gia Bill Russo của công ty tư vấn Automobility ở Thượng Hải phát biểu. “Nhưng trong ngắn hạn, doanh số ô tô điện sẽ chịu trận”.