Theo tờ Financial Times, số liệu trên được đưa ra bởi Transport and Enviroment (T&E), một tổ chức phi lợi nhuận về giao thông và môi trường có trụ sở ở Brussels, Bỉ. Mức đầu tư 60 tỷ USD đã tăng gấp khoảng 20 lần so với lần tính toán gần đây nhất cách đây 2 năm.
Trong vòng 12 tháng tính đến giữa năm 2018, châu Âu nhận 3,2 tỷ Euro vốn đầu tư công và tư nhân cho lĩnh vực xe điện, so với mức khoảng 22 tỷ Euro mà ngành này ở Trung Quốc thu hút được trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, tương quan đã thay đổi chóng mặt trong năm 2019, khi mức đầu tư cho xe điện ở châu Âu và Trung Quốc đạt tương ứng lần lượt là 60 tỷ Euro và 17,1 tỷ Euro.
“Mấy năm trước, châu Âu còn chưa là gì trong cuộc đua giành thế tiên phong về ô tô điện”, nhà nghiên cứu Saul Lopez của T&E phát biểu. “Nhưng các mục tiêu về khí thải CO2 của Liên minh châu Âu (EU) đã buộc các hãng xe và chính phủ trong khu vực phải tập trung tâm trí”.
Báo cáo của T&E không cung cấp dữ liệu cụ thể về Mỹ, nhưng Mỹ đến nay vẫn bị cho là chậm hơn châu Âu và Trung Quốc trong việc đầu tư phát triển xe điện.
Bắt đầu từ năm nay, các hãng sản xuất ô tô tại châu Âu bắt buộc phải đầu tư vào công nghệ xe không phát thải để tuân thủ với các quy định được siết chặt theo từng giai đoạn. Chính sách của EU quy định các hãng xe phải giảm dấu ấn carbon về mức bình quân 95g/km vào năm 2021, nếu không sẽ phải lĩnh án phạt hàng tỷ Euro.
Tổ chức vận động hành lang của ngành công nghiệp ô tô châu Âu đã kêu gọi EU “nương tay” trong bối cảnh các hãng xe đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những nhà sản xuất ô tô lớn nhất của khu vực này đều đã tuyên bố tuân thủ quy định mới.
Volkswagen, hãng xe lớn nhất thế giới, đang giữ vai trò đi đầu trong đầu tư phát triển xe điện. Hãng này đã cam kết đầu tư 33 tỷ Euro vào công nghệ xe điện trong 4 năm tới, với mục tiêu đến năm 2029 cung cấp ra thị trường 75 mẫu xe chạy điện.
Tập đoàn ô tô số 1 của Đức cũng đã đầu tư mạnh vào công nghệ pin xe, bao gồm 900 triệu Euro rót vào các dự án hợp tác với hãng pin Thụy Điển Northvolt. Hãng pin CATL của Trung Quốc đang đầu tư 1,8 tỷ Euro vào một nhà máy pin gần Erfurt thuộc miền Trung nước Đức.
Ngoài ra, châu Âu còn thu hút được vốn đầu tư của hãng xe điện Mỹ Tesla. Hãng này đang rót 4 tỷ Euro để xây một nhà máy xe điện gần Berlin.
Năm ngoái, 7 nước EU phê chuẩn một quỹ trị giá 3,2 tỷ Euro để phát triển pin xe điện trong thập kỷ tới, với hy vọng quỹ này sẽ thu hút thêm 5 tỷ Euro vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay chưa có dự án xe điện lớn nào ở châu Âu bị hủy bỏ hay trì hoãn. Ngoài ra, doanh số ô tô ở châu Âu giảm khoảng 1/3 trong 3 tháng đầu năm 2020, nhưng lượng ô tô chạy điện đăng ký mới vẫn tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu từ nhà nghiên cứu thị trường Matthias Schmidt ở Berlin.
Ông Schmidt cho rằng ô tô điện “ít nhiều đang là một ‘vịnh tránh bão’” vì các quy chế khí thải của châu Âu.
Báo cáo của T&E dự báo doanh số ô tô điện ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng sau Covid-19, bất chấp việc giá xăng dầu giảm, vì các hãng xe đang tranh thủ các khoản trợ cấp của chính phủ để đưa ra thêm nhiều mẫu xe điện tốt hơn.
Trong gói hỗ trợ ngành ô tô trị giá gần 9 tỷ USD mà Chính phủ Pháp công bố ngày 26/5, xe điện được trợ giá tới 7.000 USD mỗi xe. Đức và một số quốc gia châu Âu khác cũng đang bàn tính các biện pháp nhằm kích cầu ô tô điện.