Theo hãng tin Bloomberg, hãng Contemporary Amperex Technology Co. Ltd. (CATL) đã sẵn sàng cho việc sản xuất một loại pin xe điện có thể dùng được trong 16 năm và 2 triệu km (1,24 triệu dặm) đường đi. Thông tin này được Chủ tịch của CATL, ông Zeng Yuqun, tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg tại trụ sở hãng ở Ninh Đức.
Số liệu của Bloomberg cho thấy pin của các mẫu ô tô điện có mặt trên thị trường hiện nay có thời hạn bảo hành 150.000 dặm (khoảng 241.500 km) hoặc 8 năm sử dụng.
Kéo dài tuổi thọ pin xe điện được xem là một tiến bộ quan trọng của lĩnh vực ô tô điện, bởi bộ pin có thể được tái sử dụng cho một chiếc xe thứ hai. Cách làm này sẽ giúp giảm chi phí của việc sở hữu ô tô điện, khiến người tiêu dùng sẵn sàng mở hầu bao hơn cho việc mua xe điện, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 gây giảm sút thu nhập và kéo giá xăng dầu xuống mức thấp như hiện nay.
“Nếu có đơn đặt hàng, chúng tôi sẵn sàng sản xuất ngay”, ông Zeng nói, nhưng từ chối tiết lộ đã ký được hợp đồng cung cấp loại pin 2 triệu km nào hay chưa. Loại pin này có giá đắt hơn khoảng 10% so với pin xe điện hiện nay, ông Chủ tịch của CATL - hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới - cho biết.
Mối lo pin xe chai dần và phải thay thế chỉ sau vài năm sử dụng đang là một trong những nhân tố quan trọng khiến người tiêu dùng ngần ngại mua xe điện. Năm ngoái, hãng xe điện Mỹ Tesla tuyên bố sắp sản xuất loại pin có thể dùng được hơn 1 triệu dặm (khoảng 1,61 triệu km). Tháng trước, đối thủ đồng hương của Tesla là General Motors (GM) cũng cho biết sắp đạt được cột mốc này.
Quãng đường dài 1 triệu dặm tương đương đi vòng quanh xích đạo Trái Đất 50 lần.
Với dự báo cho rằng ngành công nghiệp ô tô điện sẽ sớm trở lại với tăng trưởng, CATL đang dồn ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) cho việc phát triển công nghệ pin. Ông Zeng - người sáng lập CATL cách đây 1 thập kỷ - cho rằng đại dịch sẽ kéo doanh số ô tô điện giảm trong năm nay, nhưng năm tới, thị trường sẽ phục hồi mạnh.
Việc người tiêu dùng hoãn mua xe trong thời gian đại dịch sẽ tạo ra nguồn cầu bị kìm nén và nhu cầu này sẽ được giải phóng từ đầu năm tới, dẫn đầu là nhu cầu đối với các mẫu xe cao cấp, ông Zeng nhấn mạnh. CATL hiện là nhà cung cấp pin xe cho các hãng lớn như Tesla, Volkswagen, BMW và Toyota.
“Đại dịch có thể gây ảnh hưởng kéo dài trong năm 2020, nhưng sẽ không còn là vấn đề lớn trong năm tới nữa”, ông Zeng phát biểu”. Chúng tôi có niềm tin lớn trong dài hạn”.
Theo dự báo của Bloomberg, tỷ trọng của ô tô điện sẽ gia tăng, chiếm 8,1% tổng thị trường ô tô ở Trung Quốc trong năm 2021, và chiếm 5% ở châu Âu.
Hồi tháng 2 năm nay, CATL ký hợp đồng 2 năm cung cấp pin xe cho Tesla. Hợp đồng này được xem là một thắng lợi lớn của CATL, bởi hãng xe điện số 1 của Mỹ trước đó chủ yếu hợp tác với các nhà cung cấp pin là hãng Panasonic của Nhật và hãng LGChem của Hàn Quốc. Hợp đồng được ký sau nhiều tháng đàm phán, trong đó CEO Elon Musk của Tesla đã tới Thượng Hải để gặp ông Zeng.
Pin của CATL được dùng cho xe Model 3 mà Tesla sản xuất tại nhà máy của hãng ở Thượng Hải. Pin xe là linh kiện đắt đỏ nhất của một chiếc xe điện, đồng nghĩa với các nhà sản xuất pin xe nắm cơ hội giành một tỷ trọng lớn trong lợi nhuận của ngành ô tô điện.
Giá cổ phiếu CATL đã tăng 6 lần kể từ khi lên sàn ở Thẩm Quyến vào năm 2018, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên mức 47 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của Tesla - hãng xe điện đắt giá nhất thế giới hiện nay - hiện đạt khoảng 160 tỷ USD.
Ông Zeng dự báo đến khoảng năm 2030-2035, ô tô điện sẽ vượt qua ô tô chạy xăng, dầu về doanh số. Đây là dự báo tham vọng hơn so với nhận định của các chuyên gia tại Bloomberg, những người đưa ra mốc thời gian sau đó vài năm.
CATL đang xây dựng một nhà máy pin xe ở Đức để đáp ứng 70% nhu cầu của hãng BMW. Ông Zeng cũng không loại trừ khả năng xây một nhà máy ở Mỹ.