“Nếu các biện pháp quản lý không thể theo kịp sự phát triển của công nghệ và thị trường, nguy cơ sẽ xảy ra các vấn đề an ninh mạng như tấn công mạng và xâm nhập mạng, từ đó gây ra những rủi ro an ninh lớn”, Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của Trung Quốc cho biết tại một diễn đàn ở thành phố Thiên Tân hôm nay (4/9).
Các cơ quan quản lý ngành sẽ yêu cầu các công ty tự kiểm tra vấn đề bảo mật dữ liệu ô tô, an ninh mạng và nâng cấp phần mềm. Theo đó, họ sẽ phải tìm hiểu các tiêu chuẩn đầu vào để truy cập vào mạng xe hơi thông minh.
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc dự báo doanh số bán xe chạy bằng năng lượng thay thế của Trung Quốc có thể tăng lên hơn 1,7 triệu chiếc trong 8 tháng đầu năm nay và chiếm hơn 10% tổng doanh số bán xe mới.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới đối với các loại xe chạy bằng năng lượng thay thế. Các hãng xe ô tô Trung Quốc hiện đang đổ xô sản xuất các loại xe năng lượng mới, gây ra những lo ngại về việc đầu tư quá mức và tăng cường năng lực quá mức. Trong số 846 nhà sản xuất ô tô đã đăng ký tại nước này, hơn 300 nhà sản xuất ô tô sử dụng năng lượng mới. Những công ty như Tesla Inc., NIO Inc. và BYD Co ngày càng phát triển trong nước mạnh mẽ đã khiến nhiều doanh nghiệp EV gặp khó khăn về tài chính.
Trung Quốc đang tiếp tục thắt chặt các quy định về truyền dữ liệu xuyên biên giới. Quốc gia này đã ra dự thảo quy định mới đối với các phương tiện hỗ trợ internet như xe điện (EV) và ô tô tự lái lưu thông tại Trung Quốc và cũng như khả năng chính quyền tiếp cận dữ liệu mã hóa.
Ủy ban kỹ thuật tiêu chuẩn hóa an toàn thông tin quốc gia (NISSTC), một cơ quan thiết lập tiêu chuẩn trực thuộc chính phủ Trung Quốc, cho biết trong một quy tắc dự thảo mới rằng các công ty sản xuất xe hơi kết nối chuyển dữ liệu mã hóa ra ngoài Trung Quốc có thể được yêu cầu phải cung cấp thông tin về phương pháp mã hóa cũng như dữ liệu được giải mã ở dạng văn bản thuần túy.
Động thái này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô thông minh như Tesla, Xpeng và NIO. Hành động của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh lo ngại thông tin về đường bộ và cơ sở hạ tầng do ô tô thông minh thu thập có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
Trung Quốc dự kiến sẽ có 28 triệu ô tô được kết nối vào năm 2025, khiến nước này trở thành thị trường hàng đầu thế giới về phương tiện thông minh, theo một báo cáo từ hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã.
NISSTC cũng cho biết những dữ liệu nhạy cảm liên quan đến đường xá, tòa nhà, địa hình, người tham gia giao thông (chẳng hạn như người đi xe đạp và người đi bộ), vị trí và quỹ đạo của phương tiện được thu thập bởi ô tô thông minh trong nước phải được lưu trữ bên trong Trung Quốc.
Quy tắc này, vốn sẽ ảnh hưởng đến xe điện cũng như xe ô tô tự lái, không làm rõ liệu dữ liệu được lưu trữ trong nước có thể được truy cập từ nước ngoài hay không.
Các quy định chặt chẽ hơn về thu thập dữ liệu bằng ô tô thông minh được đưa ra khi xe điện, với các loại camera và cảm biến tinh vi, thu thập một lượng lớn dữ liệu cả bên trong và bên ngoài xe, làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư trên diện rộng.
Tờ Wall Street Journal đưa tin hồi tháng trước rằng Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế các quân nhân và nhân viên công ty nhà nước sử dụng xe Tesla do lo ngại dữ liệu thu thập được từ những chiếc xe này có thể là nguồn rò rỉ đe dọa an ninh quốc gia.
Trong một nỗ lực để dập tắt những lo ngại này, Grace Tao, phó chủ tịch Tesla, đã nói với truyền thông Trung Quốc vào đầu tháng 4 rằng tất cả dữ liệu về ô tô của Tesla ở Trung Quốc sẽ ở lại Trung Quốc.
Dự thảo quy tắc cũng ngăn các công ty ô tô “chuyển giao” dữ liệu cá nhân có thể nhận dạng như thông tin khuôn mặt được thu thập bên trong buồng lái qua internet mà không có sự đồng ý của các cá nhân.