Ngoài ra, các nhân viên quân sự và nhân viên các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt cũng bị cấm sử dụng xe ô tô Tesla vì lo ngại camera gắn trên xe ô tô sẽ thu thập dữ liệu nhạy cảm.
Hãng tin Bloomberg đưa tin theo những người dấu tên quen thuộc với chỉ thị này, lệnh cấm do quân đội Trung Quốc đưa ra, yêu cầu những cư dân sở hữu xe ô tô Tesla phải đỗ xe cách xa khu vực đất đai, căn cứ quân sự. Lệnh cấm trên chính thức được kích hoạt vào tuần này và nhắm đến cư dân của các khu nhà ở quân đội và những người khác. Mối lo ngại nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới sẽ thu thập dữ liệu nhạy cảm thông qua camera tích hợp của ô tô, trong khi chính phủ Trung Quốc không thể nhìn thấy hoặc kiểm soát những thông tin, hành vi thu thập dữ liệu này, chính là nguyên nhân dẫn đến những quy định trên.
Trong khi đó, theo Wall Street Journal, động thái cấm đoán trên đối với xe ô tô Tesla được đưa ra sau khi chính phủ Trung Quốc ở cuộc điều tra kỹ lưỡng vào các mẫu xe ô tô Tesla và cho rằng họ lo ngại camera của ô tô có thể liên tục ghi lại các hình ảnh, thu thập những dữ liệu như khi nào, ở đâu chiếc xe được lái đi, danh sách danh bạ trên ĐTDĐ cũng được đồng bộ với ô tô. Chính phủ Trung Quốc lo ngại những dữ liệu đó có thể được gửi về cho Mỹ.
Những thông tin, hình ảnh về lệnh cấm đang được bình luận xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc. Theo đó, camera đa hướng và cảm biến siêu âm trong ô tô Tesla có thể “làm lộ các vị trí”, vì vậy các phương tiện này bị cấm không được lưu thông, đỗ xe tại khu dân cư quân sự để đảm bảo an toàn bí mật cho thông tin quân sự.
Một đại diện của Tesla tại Trung Quốc từ chối bình luận về động thái trên của quân đội Trung Quốc. Bloomberg cho biết Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không trả lời ngay lập tức một bản fax mà hãng tin này gửi đến sau giờ làm việc.
Cổ phiếu Tesla đã tăng nhẹ vào hôm thứ Sáu (19/3) và đóng cửa với mức tăng 0,3% tại New York.
Tesla, giống như nhiều nhà sản xuất ô tô khác, bao gồm cả General Motors, sử dụng một số camera nhỏ, chủ yếu đặt ở bên ngoài xe, để giúp hướng dẫn các chức năng đỗ xe, lái tự động và tự lái. Hầu hết các mẫu xe Tesla cũng có một camera nội thất gắn phía trên kính chiếu hậu có thể được sử dụng để phát hiện liệu người lái xe có đang tập trung nhìn đường hay đang nhìn sang hướng khác, có đang đeo kính râm hay đang nhìn hoàn toàn vào một thứ khác.
Những chiếc camera trên xe Tesla
Tesla, công ty có trụ sở tại California - và sản xuất các mẫu crossover Model 3 và Model Y SUV tại nhà máy gần Thượng Hải - không né tránh thực tế đó. Giám đốc điều hành Elon Musk đã tweet vào tháng 4 năm 2019 rằng camera nội bộ trên xe ô tô "kể từ khi chúng tôi cạnh tranh với Uber / Lyft và cho phép mọi người kiếm tiền bằng xe Tesla”.
Musk giải thích: “Trong trường hợp có ai đó làm hỏng xe của bạn, bạn có thể kiểm tra video.
Kể từ đó, Tesla đã bắt đầu sử dụng camera gắn liền trên ô tô để theo dõi những gì hãng gọi là thử nghiệm FSD (tự lái hoàn toàn) hoặc các chủ sở hữu xe Tesla, những người tình nguyện kiểm tra khả năng hỗ trợ lái xe của công ty.
Đầu tháng này, Musk đã tweet rằng bản thử nghiệm FSD beta của công ty đã được mở rộng cho khoảng 2.000 chủ sở hữu nhưng Tesla cũng đã "thu hồi bản beta khi người lái xe không chú ý đến đường". Musk cho biết bản phát hành FSD beta quan trọng tiếp theo sẽ vào tháng 4.
Lo ngại về chương trình này chính là một phần nguyên nhân dẫn đến lệnh cấm của quân đội.
Đại diện Tesla cho biết những chiếc xe Tesla được bán ở Trung Quốc không hề bật camera trong xe hoặc tham gia vào một phần chương trình thử nghiệm FSD beta. Người này cho biết các chính sách về quyền riêng tư của Tesla cũng tuân thủ luật pháp quốc gia và quy định địa phương ở Trung Quốc.
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới, là chìa khóa cho tham vọng tăng trưởng toàn cầu của Musk. Nhà sản xuất ô tô đã nhận được sự hỗ trợ lớn của chính phủ khi xây dựng nhà máy gần Thượng Hải, nhà máy đầu tiên bên ngoài nước Mỹ của Tesla và chiến lược của Musk cũng rất “được lòng” chính phủ Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận có phần “chiến đấu hơn” của ông ở Mỹ.
Wall Street Journal cho rằng các hạn chế áp lên xe ô tô Tesla diễn ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình phản ứng với cuộc chiến công nghệ của Bắc Kinh với Mỹ ngày càng gay gắt. Động thái này dường như là câu trả lời với việc Mỹ hạn chế sử dụng thiết bị liên lạc của một loạt các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei Technologies Co., gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc mà Washington cho là một mối đe dọa an ninh quốc gia vì lo ngại Huawei có thể do thám cho Bắc Kinh - dù Huawei luôn phủ nhận cáo buộc đó.
Thực chất, lo ngại về cách xử lý dữ liệu của các nhà sản xuất công nghệ cũng nhấn mạnh mức độ phổ biến ngày càng tăng của những chiếc ô tô số hóa cao - được trang bị camera và cảm biến và kết nối tích hợp cho phép các nhà sản xuất ô tô tích lũy dữ liệu - đang làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và thậm chí là an ninh quốc gia.
Tổng hợp từ Bloomberg, Wall Street Journal