Theo thông lệ, VMS sẽ diễn ra vào tháng 10 hàng năm tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Đã có thông tin cho biết các thành viên chủ chốt của VAMA như Toyota, Thaco, Ford, Mercedes-Benz, Mitsubishi thống nhất không tham dự triển lãm.
Theo phát biểu của đại diện Hiệp hội các nhà Nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) trên báo Sài Gòn Tiếp thị, các thành viên của VIVA như Audi, Volvo, Subaru … vẫn đồng ý tổ chức triển lãm. Song nếu không đủ số lượng thành viên và các hãng xe tham gia, triển lãm sẽ không thể diễn ra.
Được biết, công ty ATFA là đơn vị đại diện tổ chức sự kiện VMS 2020. Đơn vị này là đối tác ký hợp đồng với SECC để thực hiện triển lãm và đã “đặt cọc” với số tiền khoảng trên 7 tỷ đồng. Nếu triển lãm bị hủy, ATFA sẽ phải chịu trách nhiệm tài chính này.
Trong năm 2020, nhiều triển lãm ô tô trên thế giới đã phải hủy bỏ do đại dịch COVID-19. Đại dịch đã tác động mạnh đến tình hình tài chính của các hãng xe, khiến nhiều hãng xe phải tính toán kỹ hơn hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, đại dịch bùng phát khiến một số hãng xe phải tiến hành ra mắt sự kiện giới thiệu sản phẩm online riêng. Dù chưa có đánh giá chính thức về tính hiệu quả của những sự kiện trực tuyến này, song đó cũng là một giải pháp cho các hãng xe trong tình thế dịch bệnh, phong tỏa xã hội.
Tại Việt Nam, vừa qua các hãng xe như Audi, BMW đã có những sự kiện trực tuyến khá hoành tráng, được trình chiếu trên các tài khoản trực tuyến của các hãng như website, fanpage hay Youtube.
Nhiều hãng xe "quay lưng" với triển lãm ô tô
Theo bình luận của nhiều báo chuyên ngành ô tô trên thế giới, chi phí bỏ ra và hiệu quả khi tham dự các triển lãm đang là bài toán khiến họ phải cân nhắc có nên tham dự hay không. Tài chính của các hãng xe đã bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến các triển lãm ô tô trong nhiều năm.
Theo New York Times, phải bỏ một số tiền không nhỏ để tham gia triển lãm, nên một số thương hiệu (chủ yếu là châu Âu) đã từ bỏ các sự kiện này, tự tổ chức show riêng hoặc ra mắt sản phẩm trực tuyến. Từ trước, các triển lãm ô tô đã gặp khó, đại dịch COVID-19 như một “cú đấm” bồi thêm thách thức cho các sự kiện này.
Hơn nữa, các hãng xe cũng đang thay đổi chiến lược, đầu tư nhiều hơn vào các sự kiện trải nghiệm chứ không chỉ là màn giới thiệu, xuất hiện “tĩnh” tại các triển lãm ô tô.
Đơn cử như Mercedes-Benz, vốn là trung tâm của triển lãm ô tô New York, nhưng trong năm 2019 vừa qua, Mercedes-Benz đã nói “không” với Triển lãm ô tô New York. Những năm gần đây, Mercedes còn bỏ qua nhiều triển lãm ô tô hàng đầu khác của như triển lã tại Detroit và Chicago. Ngoài Mercedes, hãng BMW của Đức năm ngoái cũng đã bỏ qua triển lãm New York, mặc dù New York là một trong những thị trường xe hạng sang lớn nhất ở Mỹ.
Theo trang Automobile, khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng phát triển và bán lẻ tự động cũng theo xu hướng kỹ thuật số, một số nhà sản xuất ô tô đang tìm kiếm các chiến lược nhằm kết nối với người mua tiềm năng.
Triển lãm ô tô là một cách tuyệt vời để tiếp cận người tiêu dùng nhưng không còn là cách duy nhất. Nhiều nhà sản xuất đang điều chuyển ngân sách dành cho triển lãm sang các sự kiện riêng, cho phép khách hàng tiềm năng lái những chiếc xe mới nhất của họ, thay vì đứng trên giá đỡ ở triển lãm. Các sự kiện cho phép người tiêu dùng nói chuyện với các chuyên gia sản phẩm và lái các mẫu xe mới nhất trên nhiều góc độ.