Trước đó, Toyota là hãng duy nhất chưa bị ảnh hưởng nhờ kế hoạch dự trữ linh kiện sau bài học về sóng thần một thập kỷ trước.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vừa tuyên bố trong tháng 9 sẽ phải giảm sản lượng xe xuống còn 540.000 chiếc, từ kế hoạch ban đầu là 900.000 chiếc.
Trong khi đó, Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới, cũng đã lên tiếng cảnh báo có thể phải tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Hồi đầu năm, Volkswagen, nhà sản xuất ô tô của Đức, từng phải cắt giảm sản lượng một lần. Mới đây, Volkswagen cho biết: “Chúng tôi dự đoán nguồn cung chip trong quý 3 sẽ rất biến động và khan hiếm, vì vậy không thể loại trừ khả năng tiếp tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất".
Các đối thủ khác của Toyota, bao gồm General Motors, Ford, Nissan, Daimler, BMW và Renault, cũng đã giảm sản lượng do tình trạng thiếu chip toàn cầu.
Cho đến nay, Toyota vẫn cố gắng duy trì sản xuất, ngoại trừ việc hãng phải kéo dài thời gian ngừng hoạt động thêm một tuần ở Pháp, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè.
Những chiếc ô tô mới thường cần đến hàng chục vi mạch nhưng Toyota vẫn không bị ảnh hưởng nhiều nhờ đã xây dựng một kho dự trữ chip lớn - còn được gọi là chất bán dẫn. Đó chính là một phần kế hoạch cải tổ kinh doanh liên tục của Toyota, được hãng phát triển sau trận động đất và sóng thần ở Fukushima một thập kỷ trước.
Tuy vậy, Toyota buộc phải đưa ra quyết định giảm sản lượng do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên khắp châu Á gây ảnh hưởng đến nguồn cung chip.
Trong tháng 8 này, công ty sẽ cắt giảm sản lượng tại các nhà máy ở Nhật Bản và những nơi khác. Phần lớn các khoản cắt giảm - 360.000 xe - sẽ diễn ra vào tháng 9 và ảnh hưởng đến các nhà máy ở châu Á và Mỹ.
Tình trạng thiếu hụt chip đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải ký một lệnh hành pháp mong giải quyết được vấn đề. Ông Biden “thề” sẽ tìm kiếm 37 tỷ USD tài trợ nhằm tăng cường sản xuất chip ở Mỹ.
Cổ phiếu của Toyota đã giảm 4,4% vào thứ Năm (19/8), mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2018.