Được thành lập bởi Lionel Martin và Robert Bamford vào năm 1913, Aston Martin liên tiếp sa vào rắc rối tài chính trong những năm gần đây. Mọi chuyện càng trở nên tệ hơn với nhà sản xuất xe thể thao Anh quốc này khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Mới đây, tỷ phú người Canada Lawrence Stroll đã tung cho Aston Martin một gói giải cứu trị giá 324 triệu USD, theo đó trở thành Chủ tịch điều hành của hãng. Nhờ đó, Aston Martin tạm thoát khỏi bờ vực đổ vỡ và tiếp tục đầu tư vào DBX - mẫu xe SUV đầu tiên của hãng và cũng là chiếc xe mà hãng đặt kỳ vọng sẽ giúp xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, cũng phải đến nửa sau của năm 2020 thì những chiếc DBX đầu tiên mới có thể xuất xưởng.
Dưới đây là loạt thách thức mà Aston Martin phải đương đầu trong năm 2019-2020, do trang The Things điểm lại:
Nhà máy Aston Martin ở Anh bị đóng cửa tạm thời
Nhà máy của Aston Martin ở Anh đã phải tạm ngừng hoạt động một thời gian do ảnh hưởng của đại dịch. Vì lý do này, hãng mất một khoản doanh thu không nhỏ. May nhờ có gói giải cứu của tỷ phú Stroll mà Aston Martin mới có thể đưa chiếc SUV DBX vào sản xuất. Khi DBX bắt đầu được giao hàng trong mùa hè năm nay, dòng tiền của Aston Martin sẽ được cải thiện.
Doanh số của Aston Martin ở Trung Quốc sa sút
Thời gian qua, Aston Martin đương đầu với sự gián đoạn ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là một thị trường trọng điểm của hãng. Doanh số Aston Martin ở Trung Quốc tăng 28% trong 2019, trong khi doanh số của hãng ở Anh và châu Âu giảm sút trong cùng khoảng thời gian. Các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch ở Trung Quốc vào cuối 2019 đầu 2020 đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số của Aston Martin ở thị trường này.
Aston Martin đã phải vay vốn từ thị trường trái phiếu hai lần trong 2019
Năm 2019, Aston Martin đã hai lần phát hành trái phiếu để vay vốn vì lượng tiền mặt của hãng sụt giảm chóng mặt. Hãng vay được 190 triệu USD vào thang 4 và tiếp đó vay thêm 150 triệu USD vào tháng 9. Theo dự báo của giới phân tích, từ nay đến tháng 7/2020, Aston Martin sẽ phải vay thêm khoảng 100 triệu USD từ thị trường trái phiếu.
Tỷ suất lợi nhuận của Aston Martin thấp hơn của đối thủ
Có một thực tế đáng buồn là tỷ suất lợi nhuận của Aston Martin thấp hơn so với các hãng xe đối thủ, khiến hãng phải nhờ đến “phao cứu sinh” của tỷ phú Stroll mới có thể thực thi kế hoạch cho sự tồn tại của công ty. Để cắt giảm chi phí hoạt động, Aston Martin đang phải trì hoãn việc đầu tư phát triển xe điện. Các nhà phân tích của Jefferies nói rằng cùng làm siêu xe, nhưng tỷ suất lợi nhuận của hãng xe Italy Ferrari cao hơn hẳn của Aston Martin.
Nguồn cung linh kiện của Aston Martin đang suy giảm
Aston Martin cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến doanh số mà cả nguồn cung linh kiện của hãng. Thời gian qua, hãng đã đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung những linh kiện sản xuất tại Trung Quốc. Trong 2019, Aston Martin chỉ bán được 5.862 xe, thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu là 7.300 xe. Hãng lỗ 104 triệu Bảng trong 2019, tăng 53% so với mức lỗ của năm 2018 và tương đương lỗ gần 18.000 Bảng mỗi xe bán được.
Ảnh hưởng của sự suy giảm doanh số sẽ kéo dài
Năm nay, Aston Martin dự báo mức doanh số sẽ còn thấp hơn con số đạt được trong năm 2019 do các đại lý muốn giảm lượng xe tồn. Điều tồi tệ là ảnh hưởng của sự suy giảm doanh số sẽ kéo dài, có thể gây áp lực thanh khoản đối với hãng trong thời gian 6-12 tháng tới.
Aston Martin muốn “bắt chước” thành công của Porsche
Porsche đã rất thành công với mẫu SUV Macan. Aston Martin muốn sao chép thành công này của hãng xe thể thao Đức bằng cách đưa ra mẫu SUV DBX. Có thể nói, DBX là “canh bạc” được ăn cả, ngã về không của Aston Martin. Bởi vậy, giới phân tích xem DBX là mẫu xe mới quan trọng nhất trong lịch sử Aston Martin. Hiện tại, hãng đã nhận được khoảng 1.800 đơn hàng đặt mua DBX.
Doanh thu giảm, nợ tăng
Trong 2019, doanh thu của Aston Martin sụt giảm 9%, còn 997 triệu Bảng, trong khi mức nợ của hãng tăng lên 876 triệu Bảng. Điều này khiến các nhà phân tích và đầu tư đặt câu hỏi liệu Aston Martin có đủ khả năng tài chính để tiếp tục hoạt động. Gói cứu trợ của tỷ phú Stroll đã giúp hãng thoát hiểm trong gang tấc.
Mẫu Vantage gây thất vọng
Vantage là một mẫu xe quan trọng của Aston Martin, nhưng lại gây thất vọng lớn về doanh số trong năm 2019, khiến tổng doanh số của hãng bị kéo tụt 7%.
Aston Martin có thể cạn tiền trong vòng 1 năm
Theo một số dự báo, Aston Martin sẽ hết tiền vào tháng 5/2021. Khoản đầu tư của tỷ phú Stroll chỉ có thể đủ cho Aston Martin “câu giờ” được 1 năm nếu như kế hoạch của hãng với mẫu DBX không mang lại thành công như mong muốn.
Dự án xe điện bị trì hoãn
Trong lúc các hãng xe khác đẩy mạnh phát triển ô tô điện, Aston Martin phải tạm dừng kế hoạch này vì điều kiện tài chính không cho phép. Rapide E, chiếc xe đầu tay của Aston Martin, lẽ ra sẽ xuất bản trong năm nay, nhưng sẽ bị hoãn đến 2025.
Giá cổ phiếu Aston Martin giảm chóng mặt
Giá cổ phiếu Aston Martin đã giảm 60% từ đầu năm đến nay. Từ thời điểm hãng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 10/2018 đến nay, giá cổ phiếu đã giảm 89%. Do thua lỗ, nhiều cổ đông của Aston Martin giờ đây mất niềm tin vào hãng xe này.
Kết quả kinh doanh tệ hại của quý 1/2020
Trong 3 tháng đầu năm nay, Aston Martin lỗ 119 triệu Bảng, nhiều hơn cả mức lỗ của cả năm 2019. Do ảnh hưởng của đại dịch, cả quý, hãng chỉ bán được 578 xe, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số tại Trung Quốc giảm 86%, tại Mỹ giảm 57%, và tại châu Âu giảm 30%.