Giám đốc giải đua Công thức 1 Michael Masi đã xác nhận FIA sẽ xem xét quy định giới hạn số lượng thiết kế mũ bảo hiểm mà các tay đua có thể sử dụng mỗi mùa cho năm 2020. Quy định hiện nay là mỗi năm các tài xế chỉ được phép có một thay đổi thiết kế mũ bảo hiểm. Quy tắc giới hạn này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2015.
Vấn đề này bắt đầu dấy lên do những phản ứng dữ dội về trường hợp của tay đua Daniil Kvyat. Tại chặng đua F1 ở Nga, tay đua Daniil Kvyat đã không được phép sử dụng thiết kế mũ bảo hiểm mới cho chặng đua tại quê nhà, bởi vì, trước đó anh đã sử dụng “đặc quyền” này một lần tại chặng đua Italian Grand Prix.
Kvyat gọi quy định trên là một “trò đùa”. Ngoài ra, các đồng nghiệp của anh cũng ủng hộ anh, nhiều người còn nhắc đến trường hợp tay đua Debastian Vettel đã nhiều lần thay đổi thiết kế mũ bảo hiểm.
Masi xác nhận rằng ông đã thảo luận vấn đề với các tài xế, và đồng ý xem xét lại quy định thiết kế mũ bảo hiểm cho mùa giải tới.
Tay đua Kvyat đã yêu cầu ban tổ chức F1 cho phép anh dược sử dụng thiết kế mũ bảo hiểm đặc biệt cho chặng đua tại quê nhà ở Nga. Đây là thiết kế “một lần” cho chiếc mũ bảo hiểm của anh, để kỷ niệm chặng đua tại Sochi, trong đó thay đổi kiểu thiết kế dựa trên gam màu đỏ thông thường trên chiếc mũ của anh, bằng một thiết kế mũ bảo hiểm màu trắng, để “hợp tông” hơn với màu của lá cờ Nga.
Nhưng chiếc mũ của Kvyat đã nằm lại gara của Toro Rosso vì không được FIA cho phép. Vấn đề nằm ở chỗ FIA quy định các tay đua không được thay đổi thiết kế mũ bảo hiểm quá 1 lần/năm, song lại cho phép một số “linh động”, thay đổi nhỏ trên các thiết kế hiện tại. Vì thế, Sebastian Vettel và Max Verstappen đều thay đổi thiết kế mũ gần như thường xuyên.
“Đó là một chiếc mũ đẹp. Tôi mong mọi người nhìn thấy nó. Tôi đã để nó trong gara và chỉ mang ra khoe mọi người”, Kvyat nói.
Khi được hỏi quan điểm của anh về quy định. Kvyat đã nói: “Như một trò đùa. Nhưng quy định là quy định”.
Mũ bảo hiểm F1 được FIA quy định ra sao?
Các tay đua bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm trong các cuộc đua Công thức 1. Quy định này có từ năm 1953. Cũng giống như những chiếc xe F1, thiết kế và chất lượng mũ bảo hiểm đã thay đổi rất nhiều kể từ đó. Chấn thương đầu và cổ vẫn là nguy cơ chấn thương lớn nhất đối với các tay đua.
Vì vậy, ban tổ chức F1 quy định một chiếc mũ bảo hiểm F1 hiện đại phải cực kỳ nhẹ - khoảng 1.250 gram - và mạnh mẽ. Mũ bảo hiểm càng nhẹ, càng ít trọng lực dồn lên đầu các tay đua tại các điểm lực G khi họ tăng tốc / phanh / vào cua, do đó, nguy cơ chấn thương sẽ nhỏ. Và mũ bảo hiểm càng mạnh thì khả năng hấp thụ các tác động và chống trọng thương trong một vụ tai nạn càng lớn.
Chỉ có những chiếc mũ được FIA ủy quyền mới có thể được sử dụng trong các cuộc đua. Để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt cần có, mũ bảo hiểm Công thức 1 phải chịu các thử nghiệm phân mảnh và biến dạng cực độ. Để vượt qua các bài kiểm tra, mũ bảo hiểm được làm chủ yếu bằng sợi carbon, polyetylen và aramide chống cháy, và được chế tạo thành nhiều lớp.
Vỏ ngoài có hai lớp, là lớp nhựa gia cố trên sợi carbon. Dưới vỏ là một lớp aramid (chất liệu được sử dụng trong nhiều áo chống đạn). Sau đó, có một lớp mềm hơn, có thể biến dạng được làm từ polyetylen (một loại nhựa dựa trên polystyrene), và được phủ bằng vật liệu chống cháy.
Tấm che mặt mũ bảo hiểm được làm bằng chất liệu polycarbonate trong suốt đặc biệt, kết hợp khả năng chống va đập tuyệt vời với khả năng chống cháy và khả năng hiển thị tuyệt vời. Hầu hết các tay đua sử dụng tấm che phủ màu, bên trong được phủ bằng hóa chất chống mờ, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt. Mũ cũng có phần thông gió qua các khe hút gió nhỏ trong mũ bảo hiểm. Chúng bao gồm các bộ lọc để ngăn các hạt nhỏ xâm nhập.
Mặc dù ứng dụng các chất liệu hiện đại và công nghệ tiên tiến để sản xuất mũ bảo hiểm F1, song các họa tiết, hình ảnh, chữ trên mũ bảo hiểm Công thức 1 vẫn được vẽ bằng tay. Đó là một công việc cực kỳ thủ công đòi hỏi hàng trăm giờ làm việc cho các mẫu và thiết kế phức tạp.